Giá vàng hôm nay 20/3, Giá vàng vẫn vô cùng ‘sáng cửa’; trước sức ép, Nga sẽ mở kho vàng dự trữ? SJC nằm im chờ sóng mới?. (Nguồn: forexmount.com) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 20/3
Giá vàng trong nước vừa chứng kiến một tuần giao dịch với nhiều tăng, giảm đan xen quanh mốc 69 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể tiếp tục giằng co trong ngắn hạn sau khi nhu cầu đối với kim loại quý này bị ảnh hưởng bởi hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ.
Trong nước, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (19/3), giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 67,8- 68,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 120 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Với mức giá này, giá vàng giảm 1,4 triệu đồng trong tuần qua.
Cụ thể, giá vàng giảm mạnh ngay trong những ngày giao dịch đầu tuần 14-15/3, sau đó biến động trái chiều trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/3. Ngày 17-18/3, giá vàng bật tăng trở lại, song biên độ dao động hẹp.
Trên thị trường thế giới, cũng chịu tác động từ các cuộc hòa đàm Nga-Ukraine, giá vàng đi xuống trong phiên 18/3 và ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.
Cụ thể, trong phiên đầu tuần 14/3, giá vàng giao tháng 4 giảm 24,2 USD (1,22%) xuống 1.960,8 USD/ounce.
Trong phiên 15/3, đà giảm duy trì khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,59% xuống 1.929,7 USD/ounce.
Tới phiên 16/3, giá vàng tiếp tục giảm 20,5 USD (1,06%) và đóng cửa ở mức 1.909,2 USD/ounce do kỳ vọng về đợt nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022 của Fed.
Chốt phiên 17/3, giá vàng thế giới tăng 34 USD, hay 1,78%, lên 1.943,2 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng giá đầu tiên trong 5 phiên, do quan ngại về cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở lại “ám ảnh” thị trường.
Như vậy, với mức giảm trong phiên chốt tuần (18/3), giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ mất 0,7% xuống 1.929,30 USD/ounce.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/3): EU, Nhật Bản tiếp tục 'ra đòn' với Moscow, lạm phát ở Nga cao nhất 7 năm, Ukraine vẫn sản xuất khí đốt |
Theo ghi nhận của TG&VN, vào phiên đóng cửa thị trường tuần này, giá vàng thế giới chốt giao dịch trên sàn Kitco tại 1.921,9 USD/ounce, kéo dài đà giảm giá trong ngày cuối tuần, giảm 20,50 USD so với chốt phiên giao dịch liền trước.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 19/3, 1 USD = 23.000 VND, giá vàng thế giới tương đương 59,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 13,5 triệu đồng/lượng.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 19/3:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,8 – 68,9 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,7 – 68,9 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,9 – 68,95 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,8 – 68,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,91 – 68,93 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,31 – 56,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,55 – 56,05 triệu đồng/lượng.
Vẫn nhiều kỳ vọng với kim loại quý
Theo các nhà phân tích, dù giá vàng đã giảm gần 3% trong tuần này, nhưng kim loại quý có thể dễ dàng tăng một lần nữa ở mức 2.000 USD/ounce vào tuần tới khi căng thẳng địa chính trị không giảm bớt, tuy nhiên, hành động giá biến động vẫn tiếp diễn.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi những gì đang diễn ra ở Ukraine. Thành thật mà nói, không có gì quan trọng hơn đối với thị trường. Rủi ro từ xung đột có thể thay đổi”.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư vẫn không tin rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm nay mà không làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Giá vàng tiếp tục giao dịch trên 1.900 USD/ounce, bất chấp đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018. Cuộc họp tháng 3 của ngân hàng trung ương Mỹ diễn ra theo chiều hướng diều hâu nhưng không làm lệch hướng tâm lý tích cực đối với vàng.
Rủi ro địa chính trị hiện tại đã dẫn đến những lo ngại rằng lạm phát có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian dài hơn, điều này kích thích sự quan tâm dài hạn hơn đối với vàng”.
Trong vài tuần qua, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng đã tăng vọt, là động lực lớn cho giá kim loại quý này.
Cảnh báo về sự biến động nhiều hơn, chuyên gia Cooper nói: “Trong khi thị trường vật chất đang chịu nhiều áp lực, sự quan tâm của nhà đầu tư tăng đã bù đắp được điểm yếu này, cho thấy hành động giá biến động vẫn hiện hữu”.
Bên cạnh sự không chắc chắn về địa chính trị, các nhà đầu tư vẫn đang xem xét quan điểm “diều hâu” mới của Fed.
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins cho biết: "Vàng đã phản ứng tiêu cực với quyết định của Fed, nhưng chúng tôi thấy kim loại này đã xóa hầu hết các khoản lỗ sau tuyên bố của ngân hàng trung ương.
Dù Fed “hiếu chiến”, thị trường vẫn hoài nghi rằng sẽ có thêm 6 lần tăng lãi suất nữa. Điều này không phù hợp với kỳ vọng lạm phát của Fed là 4,3% trong năm nay".
Ông Millman cho biết thêm, bất kỳ sự sụt giảm nào trong những kỳ vọng đó đều sẽ tích cực cho vàng trong tương lai. Ông nói: "Tôi đang lạc quan. Việc vàng giảm trở lại trong tuần này là rất tốt. Đồng thời, chúng ta phải đề phòng sự biến động mạnh hơn".
Thêm vào đó, dự đoán lạm phát vẫn chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn sau khi dữ liệu CPI của Mỹ vào tháng Hai cho thấy lạm phát ở mức 7,9% - mức cao mới trong 40 năm.
Melek cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa thấy giá thực phẩm tăng đột biến mạnh mẽ. Nhưng vấn đề là 60% các yếu tố cấu thành CPI đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái".
Đó không còn là lạm phát nhất thời nữa… Về vàng, quyết định của Fed không đủ nhanh để chống lại lạm phát. Đây là một môi trường tích cực cho vàng”.
Melek cho biết thêm, việc tăng lên mức 2.000 USD/ounce vẫn chưa được loại trừ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu vàng có thể giữ vững ở mốc này hay không.
Các nhà phân tích cũng ngừng nói về việc vàng giảm xuống 1.400 USD/ounce.
Chuyên gia này lưu ý rằng, mức giá vàng cần theo dõi trong tuần này là 1.920 USD, tiếp theo là 1.875 USD. Mức kháng cự chính đầu tiên là khoảng 1.980 USD.
Trong khi đó, chuyên gia Millman xem xét mức hỗ trợ 1.900 USD và mức kháng cự 2.000 USD. Ông nói: “Sau 1.950 USD, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy vàng phá vỡ 2.000 USD”.
Liên quan xung đột Nga-Ukraine, tính đến giữa tháng 2, Nga đã tích lũy được 643 tỷ USD dự trữ quốc tế. Tuy nhiên, trước khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thể sử dụng số ngoại hối dự trữ của mình, nước này có thể bị hối thúc sử dụng dự trữ vàng để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái.
Đầu tuần này, ngân hàng trung ương Nga đã đình chỉ việc mua vàng trong bối cảnh nhu cầu từ các hộ gia đình tăng lên. Cơ quan này cũng không cho biết khi nào sẽ tiếp tục mua vàng từ các ngân hàng nhỏ.
Dữ liệu từ ngân hàng trung ương cho thấy Nga đã tích lũy được hơn 130 tỷ USD vàng tính đến cuối tháng 1/2022, chiếm khoảng 22% lượng dự trữ của nước này.
| UKVFTA - ‘Cú hích’ cho thương mại Việt Nam-Anh và chiến lược sử dụng mô hình kim tự tháp Những lợi ích của UKVFTA đã khiến nhiều nhà phân phối, các siêu thị, chuỗi đồ ăn Việt và các doanh nghiệp nhập khẩu hàng ... |
| Bất động sản mới nhất: ‘Đất vàng’ mặt phố TP.HCM mãi ế ẩm, thị trường trước nỗi lo lạm phát, quy định mới về tách thửa ở Vân Đồn Chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất tại 4 tỉnh, “đất vàng” mặt phố TP.HCM dù giảm giá sâu vẫn không có người thuê, ... |