Giá vàng chốt phiên cuối tuần trước tại 1.754,8 USD/ounce, vẫn có sức hấp dẫn trong trung và dài hạn. (Nguồn: Forbes) |
Biến động giá vàng hôm nay 20/9
Tuần qua, giá vàng thế giới lao dốc mạnh từ 1.810 USD/ounce xuống tới mức 1.745 USD/ounce, có phiên mất liền hơn 40 USD và đóng cửa (ngày 17/9) ở mức 1.754 USD/ounce. Mức giảm giá ghi nhận trong tuần qua là 2,3%, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Đây cũng là chuỗi tuần giảm giá liên tục tính từ khoảng thời gian 3 tuần giảm giá kết thúc ngày 18/6.
Giá vàng thế giới giảm mạnh sau khi báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng vọt hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Giá USD tăng mạnh đạt mức cao nhất trong 3 tuần. Ngay lập tức, sự phục hồi mạnh của đồng USD đã đẩy giá vàng lao dốc.
Michael Armbruster, Giám đốc điều hành tại Altavest, nhận định: "Giá vàng đã có một tuần tệ hại. Thật không may cho những người có quan điểm lạc quan về vàng, trong bối cảnh diễn biến lạm phát tới đây, lợi suất trái phiếu thường sẽ tăng và yếu tố này thường tiêu cực với giá vàng".
Trong khi đó, giới đầu tư vẫn đưa ra nhiều đồn đoán về thông điệp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra trong cuộc họp tuần tới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kỳ vọng về thông báo siết chặt chính sách.
Nhà phân tích Jeffrey Halley thuộc Oanda cho rằng phiên hồi phục nhẹ vào ngày thứ Sáu của giá vàng – diễn ra khi đồng USD tăng mạnh – một phần do giới đầu tư bán khống mua vào để chốt lời. Ông Halley nói rằng vàng đang đối mặt khả năng thủng mốc hỗ trợ 1.750 USD/ounce vì đồng USD vẫn đang mạnh.
Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang bị dao động tâm lý khi các chỉ số kinh tế Mỹ có sự đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Bởi vậy, giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ từ 1.670 - 1.835 USD trong ngắn hạn.
Cập nhật giá vàng hôm nay 20/9, mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 56,15 – 56,80 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 650.000 đồng/lượng. Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở 56,50 – 57,50 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua 1 triệu đồng/lượng. Ghi nhận vào 11h25, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 1.749,0 USD/ounce, tiếp tục giảm 5 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 22.870 VND), giá vàng thế giới tương đương 48 triệu đồng/lượng. |
Giá vàng trong nước đi xuống mạnh khi thị trường kim loại quý thế giới mất đà trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Cuối ngày, giá vàng SJC tại nhiều thương hiệu lớn đã có những biến động đáng kể về giá. Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá ảm đạm trong những ngày giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá vàng tại thị trường Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cùng quay đầu tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và nhích thêm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji giá vàng SJC lại điều chỉnh giá mua vào giảm 200.000 đồng/lượng và giá bán ra giảm thêm 100.000 đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý cũng điều chỉnh giá vàng tiếp đà giảm và đồng loạt giảm mạnh 400.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra. Một số thương hiệu khác không có sự thay đổi nào. Cụ thể, giá vàng trong nước được niêm yết tại phiên đóng cửa chiều qua như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,00 - 56,67 triệu đồng/lượng và 56,65 triệu đồng/lượng tại hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,40 - 57,60 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,25 - 57,25 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,60 - 57,30 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Tháng 9 "tàn khốc" đừng đầu tư cổ phiếu?
"Các nhà đầu tư tốt hơn nên nắm giữ tiền mặt và vàng vào tháng 9 'tàn khốc' này", Chuyên gia Jim Cramer, Cựu giám đốc quỹ đầu tư, đồng thời là nhà đồng sáng lập của TheStreet.com tư vấn.
Theo Jim Cramer, việc cố tìm ra những người chiến thắng trên thị trường cổ phiếu vào tháng 9 này, có thể là một trò chơi khó. Bởi thị trường chứng khoán Mỹ có thể là một nơi nguy hiểm khi quý thứ ba của năm 2021 kết thúc, "host" của chương trình đình đám Mad Money thuộc CNBC cảnh báo.
"Tôi đã nói đi nói lại với các bạn rằng, tháng 9 là tháng "tàn nhẫn nhất" và nó lại đang diễn ra theo cách đó một lần nữa, với những đợt điều chỉnh diễn ra khắp nơi. Đây thường là dấu hiệu báo trước cho sự sụt giảm theo mùa, sẽ bắt đầu chỉ sau vài ngày", Cramer nói.
Thay vào đó, vị cựu giám đốc đầu tư kỳ cựu của TheStreet.com khuyên nhà đầu tư nên chọn tiền mặt và vàng. "Ngay bây giờ, bạn nên giữ một số tiền mặt và sở hữu một ít vàng". Bởi việc tìm ra cổ phiếu nào sẽ là cổ phiếu tăng giá hàng đầu trong thời kỳ biến động này có thể là một nhiệm vụ khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn vào thời điểm này, ông lưu ý.
"Chắc chắn, vào bất kỳ ngày nào, chúng ta đều có thể thấy một đợt phục hồi, chỉ số Dow Jones tăng khá tốt hay một số cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng cao hơn, hay các ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, tôi không thấy nổi trội về bất cứ mảng kinh doanh nào."
Đợt bán tháo cổ phiếu tháng 9 của Mỹ đã tiếp diễn vào thứ Ba tuần trước, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm khoảng 325 điểm, tương đương 0,9%, S&P 500 giảm 0,7% và Nasdaq giảm 0,5%.
Tuần tới, nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi thông tin từ một loạt các cuộc họp quan trọng của các ngân hàng trung ương lớn, gồm Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh.
Tâm điểm sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed trong hai ngày vào 21 -22.9. Các nhà đầu tư đang chờ đợi Fed đưa ra quan điểm chính thức và rõ ràng về chính sách và các dự báo kinh tế.
Dự báo giá vàng tuần tới?
Hiện vẫn có nhiều đồn đoán khác nhau, Fed sẽ hành động như thế nào trong cuộc họp chính sách tiền tệ tới đây, khi các số liệu kinh tế của Mỹ đang cho thấy bức tranh kinh tế sáng tối lẫn lộn?
Về lãi suất cơ bản, chắc chắn Fed sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 0-0,25% và dự kiến sẽ tăng vào năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Còn với việc thu hẹp QE, theo khảo sát của Marketwatch, hiện có khoảng 50% trong số 18 thành viên của FOMC cho rằng, Fed cần sớm thu hẹp QE. Trong khi 50% thành viên FOMC còn lại cho rằng, cần tiếp tục theo dõi “sức khỏe” của thị trường lao động trước khi thu hẹp Chương trình này. Như vậy, nhiều khả năng Fed sẽ vẫn khẳng định sẽ thu hẹp QE vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau tùy theo tình hình kinh tế Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ giá vàng tuần tới phục hồi trở lại vùng 1.800USD/ounce.
Ngược lại, nếu Fed bật tín hiệu sớm thu hẹp QE, thì giá vàng tuần tới có thể sẽ còn tiếp tục giảm xuống sát 1.700 USD/ounce.
Một số chuyên gia nhận định, Fed đưa ra định hướng chính sách thế nào, thì vàng cũng không bị bán tháo quá mức. Bởi Fed sẽ khó thu hẹp mạnh mẽ QE trong bối cảnh thị trường lao động đang suy giảm và lạm phát vẫn ở mức cao; còn việc Fed tăng lãi suất cơ bản có thể diễn ra vào năm tới hoặc đầu năm 2023. Bởi vậy, lãi suất ở Mỹ thực âm trong bối cảnh lạm phát vẫn đang tăng và vàng vẫn có sức hấp dẫn trong trung và dài hạn.
| Covid-19 ở Việt Nam sáng 20/9: Tổng số hơn 680.000 ca nhiễm; Hà Nội nới lỏng từng bước; TP. HCM chi hỗ trợ đợt 3; Phân bổ thêm 8 triệu liều Sinopharm Trong 24h giờ qua (17h ngày 8/9 đến 17h ngày 19/9) số ca mắc mới trong nước tăng 665 ca, 233 người không qua khỏi. ... |
| Nếu Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP… Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất khối. Đây cũng sẽ là bước tiến quan trọng khác để Bắc ... |
| Vaccine Sinopharm: Độ tin cậy, hiệu quả và khả năng chống lại biến chủng mới Covid-19? Vaccine Sinopharm là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được sự phê duyệt của WHO, ... |