Giá vàng hôm nay 22/9: Trong nước và thế giới cùng giảm
Mở cửa phiên giao dịch sáng 22/9, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 65,85 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 66,65 triệu đồng/lượng, cùng giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC vẫn duy trì mức 800.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 65,80 – 66,55 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 21/9, giá mua - bán vàng tại DOJI cùng giảm 50.000 đồng/lượng nên khoảng chênh lệch giữa giá mua với giá bán vàng tại DOJI vẫn là 750.000 đồng/lượng.
Đầu giờ sáng 22/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco ở mức 1.658,3 USD/ounce, giảm 11,7 USD/ounce so với cuối giờ chiều 21/9.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 USD = 23.825 VND, giá vàng thế giới tương đương 47,60 triệu đồng/lượng, thấp hơn 19,05 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.
Giá vàng hôm nay 22/9: Giá vàng bật tăng cùng USD, nhu cầu giảm, có bị 'nghiền nát' hay không phụ thuộc vào Fed (Nguồn: Kitco) |
Diễn biến giá vàng hôm nay 22/9
Giá vàng thế giới đảo chiều bật tăng trong phiên giao dịch chiều 21/9 (theo giờ Việt Nam). Đến 20h cùng ngày, giá kim loại quý trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.675,4 - 1.676,4 USD/ounce, tăng 10,5 USD/ounce so với phiên liền trước.
Tại thị trường châu Á, giá vàng dường như không biến động và neo quanh ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 4/2020, giữa bối cảnh giới đầu tư chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tiến hành một đợt nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp chính sách sắp diễn ra (ngày 21-22/9) nhằm đẩy lùi lạm phát.
Chiều phiên giao dịch ngày 22/9, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.663,92 USD/ounce.
Theo kế hoạch, Fed sẽ đưa ra quyết sách về lãi suất vào lúc 1h ngày 22/9 (giờ Việt Nam). Tỷ lệ dự báo ngân hàng này tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp này là 81%, trong khi 19% còn lại dự báo mức tăng 1 điểm phần trăm.
Tại Việt Nam, vào lúc 17h ngày 21/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,95-66,77 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 21/9:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,95 – 66,77 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,85 – 66,60 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,90 – 66,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,96 – 66,69 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 50,75 – 51,46 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 50,20 – 51,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sẽ về mức 1.600 USD/ounce?
Trong những ngày qua, các kim loại quý đang chìm sâu dưới sức mạnh của đồng USD và lợi tức kho bạc tăng trước quyết định lãi suất quan trọng của Fed.
Một số nhà phân tích lo ngại, mức 1.600 USD/ounce có thể là đích mới của vàng khi Fed có vẻ vẫn "diều hâu" bất chấp một số dấu hiệu kinh tế đáng lo ngại.
Chris Weston, trưởng nhóm nghiên cứu của Pepperstone cho biết: “13 ngân hàng trung ương sẽ họp trong tuần này và hầu hết dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ, nhưng cuộc họp của FOMC mới là sự kiện nổi bật nhất".
Theo các nhà phân tích, tất cả phụ thuộc vào việc liệu Fed có "chớp mắt" khi đối mặt với những lo ngại suy thoái gia tăng và nghi ngờ về một cuộc "hạ cánh mềm" hay không.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Thông điệp của Chủ tịch Fed Powell có thể sẽ xác định liệu vàng có bị 'nghiền nát' ở đây hay không. Vàng sẽ gặp khó khăn nếu ông Powell thuyết phục được các thị trường rằng, Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao, ngay cả khi các số liệu kinh tế tồi tệ hơn".
Xu hướng chủ yếu đè nặng lên vàng là kỳ vọng về mức tăng quá mức 75 điểm cơ bản vào tháng 9, 75 điểm cơ bản khác tại cuộc họp tháng 11 và 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 12.
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes của ANZ cho biết: "Fed đã nói rõ rằng, họ đang có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức mạnh. Kim loại quý vẫn dễ bị tổn thương trước các động thái này, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức. Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất mạnh cũng dẫn đến việc đồng USD tiếp tục gia tăng sức mạnh".
Ông Hynes cho rằng, sức mạnh của USD sẽ tồn tại lâu. Châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đó là một cơn gió ngược cho đồng Euro và hỗ trợ cho USD. "Điều này khiến chúng tôi nghĩ rằng, USD sẽ đạt đỉnh vào quý I/2023. Đối mặt với sức mạnh của USD, vàng sẽ giảm giá", chiến lược gia Hynes nói.
Trong ngắn hạn, vị chuyên gia này cho rằng, kim loại quý có thể xuống 1.600 USD/ounce do nhu cầu tiếp tục suy yếu.
Ông Hynes nhấn mạnh: "Nhu cầu giảm bất chấp rủi ro địa chính trị gia tăng và bối cảnh kinh tế xấu đi. Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm giá có thể kéo dài. Việc phá vỡ mức 1.675 USD/ounce cho thấy, giá vàng có thể giảm xuống 1.600 USD/ounce".
Thụy Sỷ nhập khẩu kỷ lục vàng Nga
Theo Cục Hải quan Liên bang Thụy Sỹ, khoảng 5,7 tấn vàng thỏi của Nga trị giá khoảng 320 triệu USD đã đến nước này trong tháng 8. Trong báo cáo ngày 20/9, cơ quan này cho biết, đây là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Phía Thụy Sỹ cũng lưu ý rằng, số vàng này có nguồn gốc từ Nga nhưng được tinh chế và chuyển đến từ Anh, vì vậy, họ không vi phạm lệnh trừng phạt.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đều trừng phạt hoạt động xuất khẩu vàng của Nga vì tình hình Ukraine. Song những lệnh cấm này không ảnh hưởng đến số vàng thỏi rời Nga trước ngày 4/8.
Nga là quốc gia khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới, nhưng sản lượng đã sụt giảm kể từ khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
| Stephan Weil, Thống đốc bang Lower Saxony, Tây Bắc nước Đức, cho biết, nước này sẽ không bao giờ có thể dựa vào Nga để ... |
| Khủng hoảng năng lượng: 'Nỗi đau' lan rộng khắp châu Âu, suy thoái sâu là không thể tránh khỏi? Các doanh nghiệp và gia đình trên khắp châu Âu đang phải “chiến đấu” với giá năng lượng cao khi Nga kìm hãm nguồn cung ... |
| Xung đột Nga-Ukraine đẩy kinh tế thế giới đứng trước 'bờ vực thẳm', triển vọng phục hồi mịt mờ Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực đang làm thui ... |
| 'Cơn đau đầu' của nền kinh tế Trung Quốc Kể từ tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã liên tục đạt kỷ lục mới. Chuyên gia nhận định, quốc ... |
| Hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc: Thương mại bùng nổ giữa sóng trừng phạt, ai cần ai hơn? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp mặt trực tiếp ngày 15/9 ở Uzbekistan, lần đầu tiên ... |