📞

Giá vàng hôm nay 2/3: Vàng trong nước cao hơn thế giới 7,5 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư vừa mua đã lỗ

Linh Chi 06:19 | 02/03/2021
TGVN. Giá vàng trong nước hiện đang bất thường khi cao hơn giá vàng thế giới tới 7,5 triệu đồng/lượng. Chuyên gia nhận định, mua vàng thời điểm này là rủi ro cực lớn.

Cập nhật giá vàng sáng nay 2/3

Sáng 2/3 (theo giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hạ xuống mức 1717,3 USD/ounce, giảm 20,6 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 23.120 VND), giá vàng thế giới tương đương 47,83 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường trong nước, mở phiên giao dịch ngày 2/3, Công ty Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,6 - 56 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua - bán hiện là 400.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm nhẹ, hiện niêm yết tại 55,65 - 55,99 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh tăng nhẹ, hiện niêm yết ở 53,16 - 53,81 triệu đồng/lượng.

Hiện nay, giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. (Nguồn: Business Insider)

Theo ghi nhận của TG&VN, tính đến 22h ngày 1/3, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch điện tử Kitco News đang ở mức 1.739 - 1.740 USD/ounce, tăng nhẹ 3,4 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch chiều ngày 1/3, phục hồi từ đáy 8 tháng xác lập trong phiên cuối tuần trước, nhờ đồng USD suy yếu.

Tuy nhiên, kim loại quý này đã ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016 trong tháng 2 vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Lợi suất cao làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 1/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,85 - 56,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra, so với phiên giao dịch liền kề. Giá bán đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm nhẹ, hiện niêm yết tại 55,92 - 56,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh tăng nhẹ, hiện niêm yết ở 53,51 - 54,16 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đang bất thường?

Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương 48,67 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh lệch kỷ lục mà giá vàng SJC đang xác lập ở thời điểm hiện tại.

Giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight Phan Dũng Khánh nhận định, giá vàng trong nước luôn đi theo giá thế giới, nhưng tùy theo cung - cầu và cả việc cân đối của người bán nên mức độ tăng, giảm nhiều hay ít và ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau.

Trong thực tế, đã có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới dù điều này không phải thường xuyên. Nhưng kể từ ngày vía Thần tài đến nay, các công ty vàng trong nước luôn neo giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Điều này cho thấy, có khả năng nguồn mua vào trước đó của họ có thể ở mức cao nên người bán vẫn muốn găm giữ giá cao.

Với việc neo giá cao này, rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư là cực lớn. Bởi khi họ vừa mua xong đã lỗ vì chênh lệch giữa giá mua với giá bán cũng được các công ty vàng nới rộng ra.

Đồng thời, nếu giá vàng trong nước quá cao, đến lúc được điều chỉnh về ngang bằng giá thế giới thì người mua sẽ càng lỗ nặng. Hiện nay, giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... nên khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục đi xuống là rất cao.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, mức chênh lệch khoảng 7,5 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Hệ lụy là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh và có thể diễn ra hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.

Triển vọng vàng thế giới "đìu hiu"

Lợi suất trái phiếu gần đây đã liên tục tăng do kỳ vọng lạm phát gia tăng, khi thị trường bắt đầu định giá về việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế phát triển. Lạm phát cao hơn có mối quan hệ tích cực với giá vàng, nhưng nó cũng có xu hướng làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc, do đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - tài sản không sinh lời.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây cũng cho hay, họ không lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng, cũng tiếp thêm động lực và hỗ trợ cho lợi suất tăng, gây thêm áp lực lên giá vàng và kéo chúng xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.

Giám đốc khối ngoại hối toàn cầu của Bannockburn Marc Chandler cho biết, đà tăng của vàng đã thất bại trong tuần qua khi xu hướng giảm giá đã kéo dài gần 20 ngày.

"Nếu giá vàng không kịp tăng trở lại, nhiều khả năng mức giá còn có thế bị thị trường kéo xuống sát mốc 1.690 USD/ounce. Tuy nhiên, khi giá vàng bắt đáy sẽ tạo điều kiện cho việc gia tăng mua tích lũy. Khi đó giá vàng sẽ có cơ hội lội ngược dòng”, vị này nêu quan điểm.

Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch cũng dự đoán, giá vàng sẽ giảm xuống 1.600 USD/ounce trong năm nay và giảm tiếp xuống 1.400 USD vào năm 2022 do nhu cầu tăng do dòng đầu tư và ngân hàng trung ương mua vào.

Theo Fitch, giá nhiều mặt hàng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn từ việc nhu cầu quay trở lại trong khi nguồn cung vẫn chậm và hàng tồn kho ở mức thấp. Do đó, giá kim loại quý sẽ giảm xuống 1.200 USD/ounce vào năm 2023.