📞

Giá vàng hôm nay 23/11/2024: Giá vàng lại tăng dựng đứng, sẽ lên trên 2.800 USD trước Giáng sinh, do mối đe dọa gia tăng của Thế chiến thứ III?

Minh Anh 21:36 | 22/11/2024
Giá vàng hôm nay 23/11/2024: Giá vàng trong nước tăng không ngừng 5 phiên liên tiếp, nhẫn tròn trơn đã trở lại ngưỡng 86 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lại hướng tới mốc 2.700 USD/ounce và có thể là kỷ lục 2.800 USD/ounce ngay trước Giáng sinh này, theo chuyên gia.

TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 23/11TỶ GIÁ HÔM NAY 23/11


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 23/11/2024

Giá vàng thế giới đi lên bất chấp đồng USD vẫn đang duy trì ở vùng cao nhất nửa năm.

Giá vàng thế giới lại đang hướng tới dao động quanh mốc 2.700 USD/ounce, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga-Ukraine. Căng thẳng địa chính trị đã kéo nhà đầu tư đến với các tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng. Đây chính là xúc tác mạnh mẽ để kim loại quý phục hồi trở lại các mức đỉnh đã được thiết lập trong năm nay.

Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, vào lúc 19h38 ngày 21/11 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn điện tử Kitco ở mức 2.698,70 - 2.699,70 USD/ounce, tăng 30 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.

Đợt tăng giá kỷ lục của vàng vào năm 2024 đã chạm ngưỡng kháng cự quanh mức 2.791 USD/ounce, dẫn đến đợt thoái lui về mức 2.540 USD/ounce và trong khi một số người cảnh báo về giai đoạn củng cố kéo dài, nhà phân tích kim loại quý Matthew Jones tại Solomon Global lại khẳng định - kim loại màu vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.800 USD/ounce trước Giáng sinh này (25/12).

Về dài hạn, xu hướng tăng giá chung của vàng vẫn được giới phân tích tin tưởng - sẽ vẫn tiếp tục tăng bền vững, bất chấp những biến động tạm thời của thị trường, CEO của Mind Money Julia Khandoshko, còn nhận định, đợt điều chỉnh này của vàng đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Bà nói thêm rằng, "một đợt bán tháo vừa qua chỉ là một phần tự nhiên của chu kỳ rộng lớn hơn.

Ở góc độ khác, các chuyên gia của Goldman Sach dự báo, căng thẳng thương mại leo thang khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau, có thể kéo nhu cầu vàng lên cao. Kim loại quý khả năng đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025. Bên cạnh đó, lo ngại về sự bền vững của chính sách tài khóa Mỹ cũng giúp kim loại quý tăng giá. Các ngân hàng trung ương - đặc biệt là những nước nắm nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ - có thể chọn tăng mua vàng.

Hiện tại, các nhà đầu tư và thị trường đang chú ý vào thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm, dự kiến diễn ra vào ngày 18/12. Nếu Fed không nới lỏng lãi suất thì giá vàng có thể sẽ bị kìm hãm trong ngắn hạn, theo dự báo của ngân hàng ANZ.

Giá vàng trong nước tăng không ngừng 5 phiên liên tiếp.

Giá vàng trong nước liên tục tăng trong bối cảnh giá vàng thế giới hồi phục. Giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) ở mức 84,7-86,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đã tăng lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng/lượng so chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua và bán rút ngắn xuống 2 triệu đồng.

Bốn nhà băng quốc doanh - nhóm Big4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) đồng loạt nâng giá bán vàng miếng SJC ra thị trường lên 86,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn đã tăng thêm 500.000 - 600.000 đồng lên 86 triệu và chỉ còn kém đỉnh cũ thiết lập vào cuối tháng 10 (kỷ lục 89 triệu đồng/lương), 3 triệu đồng/ lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng nhẫn trơn tại 84,6 - 86,1 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với hôm qua; Tập đoàn DOJI nâng giá nhẫn trơn lên 85,1 - 86,1 triệu; Công ty Phú Nhuận (PNJ) cũng lên 85 - 86 triệu đồng.

Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 82,5 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa trong nước và thế giới trong khoảng 3,5-4,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 23/11/2024: Giá vàng lại tăng dựng đứng, mối đe dọa gia tăng của Thế chiến thứ III, vàng sẽ lên trên 2.800 trước Giáng sinh? (Nguồn: Kitco News)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn tròn trơn tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 22/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 84,7-86,7 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 84,6 - 86,1 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji: Vàng miếng SJC 83,7 – 86,2 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 85,1 - 86,1 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 85,00 - 87,00 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 85,20 - 86,20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 85,30 – 87,00 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn trơn giao dịch tại 85,48 – 86,43 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sẽ lên trên 2.800 trước Giáng sinh?

"Chiến tranh. Nó có lợi gì? Không có gì ngoài việc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục", Matthew Jones, nhà phân tích kim loại quý tại Solomon Global nói. Do đó, "trong bối cảnh hiện tại, mức 2.800 USD/ounce trước Giáng sinh không phải là không thể".

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đã trở thành một trong những cuộc đối đầu dữ dội và có ý nghĩa địa chính trị nhất của thế kỷ 21. Các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và các đồng minh NATO, đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine. Các báo cáo cho thấy phương Tây đang ngầm chấp thuận việc sử dụng tên lửa tầm xa như ATACMS hoặc Storm Shadow để nhắm vào các địa điểm chiến lược bên trong Nga.

“Mặc dù điều này củng cố khả năng của Ukraine trong việc phá vỡ hoạt động hậu cần và quân sự của Nga, nhưng nó lại làm tăng rủi ro cho cuộc xung đột rộng lớn hơn và có thể đánh dấu sự leo thang nguy hiểm của cuộc xung đột quân sự”, chuyên gia Jones cảnh báo.

Nhà phân tích của Solomon Global nhấn mạnh rằng, Nga “đã nhiều lần cảnh báo các cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả việc nhắm vào các tuyến đường tiếp tế của phương Tây hoặc cơ sở hạ tầng ở các nước NATO”, nói rằng hành động trả đũa như vậy “có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, làm leo thang xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine”.

Một cuộc chiến tranh thế giới liên quan đến Nga, Mỹ và NATO có thể đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục do một số yếu tố kinh tế và địa chính trị có mối liên hệ với nhau. Chuyên gia Jones giải thích thêm về dự đoán này bằng cách lưu ý rằng, “Vàng được coi là tài sản ‘an toàn’ trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, chiến tranh hoặc bất ổn kinh tế”.

“Các nhà đầu tư thường đổ xô đến vàng để bảo vệ tài sản của họ, dẫn đến nhu cầu tăng và giá cao hơn. Một cuộc xung đột toàn cầu có thể làm mất ổn định thị trường tài chính, gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu và các tài sản rủi ro hơn. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định, vàng có thể chứng kiến ​​dòng tiền đổ vào đáng kể, thúc đẩy giá vàng hơn nữa” nhà phân tích Matthew Jones cho biết.

Ông cũng lưu ý rằng, trong thời kỳ xung đột gia tăng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lệnh trừng phạt kinh tế lan rộng là điều thường thấy, tất cả đều có thể báo hiệu tốt cho giá vàng. Ông nói: “Những gián đoạn này có thể thúc đẩy lạm phát và bất ổn kinh tế, cả hai đều là những yếu tố tích cực trong lịch sử đối với giá vàng”.

“Các chính phủ tham gia chiến tranh thường dùng đến chi tiêu quân sự đáng kể, dẫn đến nợ quốc gia tăng và in tiền. Điều này có thể làm suy yếu các loại tiền tệ như USD hoặc Euro, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn như một kho lưu trữ giá trị. Các ngân hàng trung ương cũng sẽ có xu hướng tăng dự trữ vàng của họ để đa dạng hóa các khoản nắm giữ và giảm thiểu rủi ro", chuyên gia Jones nói thêm.

Các cuộc chiến tranh hiện đại có xu hướng gây ra tác động kinh tế rộng hơn do sự kết nối của các thị trường toàn cầu, điều này có thể khuếch đại thêm nhu cầu về vàng. Xem xét tất cả những điều này, chuyên gia Jones kết luận: “Một cuộc chiến tranh thế giới có thể tạo ra một ‘cơn bão hoàn hảo’ khiến giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, do nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, bất ổn kinh tế và sự sụp đổ niềm tin vào các hệ thống tài chính truyền thống”.

(theo Kitco News)