Vào lúc 0h55 ngày 23/6, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco hiện là 1.778,8 - 1.780,1 USD/ounce, giảm 4,6 USD (0,26%) so với chốt phiên liền trước. (Nguồn: Kitco) |
Cập nhật giá vàng hôm nay 23/6
Phiên giao dịch ngày 22/6, giá vàng dao động khá mạnh lên xuống nhiều lần, sau khi đã có tuần giảm sâu nhất trước đó, tính từ tháng 3/2020. Mặc dù hồi phục trong phiên đầu tuần, nhưng giá vàng vẫn đang chủ yếu giao dịch trong mô hình phản ánh sự chững lại và do dự. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ bài phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về lập trường đối với chính sách tiền tệ vào cuối ngày.
Theo ghi nhận của TG&VN vào lúc 0h55 ngày 23/6 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco hiện là 1.778,8 - 1.780,1 USD/ounce, giảm 4,6 USD (0,26%) so với chốt phiên liền trước. Sau một vài lần chốt phiên với giá giảm nhẹ, đến 9h15, giá vàng hiện trên bảng giao dịch là 1.780,6 - 1.781.6 USD/ounce, tăng 1,8 USD (0,1%) so với chốt phiên liền trước.
Cập nhật giá vàng hôm nay 23/6: Trong nước và thế giới cùng điều chỉnh nhẹ Mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào ở mức 56,45 - 57 triệu đồng/lượng, đi ngang so với cuối phiên giao dịch hôm qua. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 550.000 đồng/lượng. Hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng nhẹ, 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,57 - 56,97 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được niêm yết tại 51,83 - 52,43 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,10 - 52,20 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước ngày 23/6 công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.191 VND/USD. Hiện tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN đang là 22.975 VND/USD (chiều mua vào) và 23.830 VND/USD (bán ra). |
Cuối phiên giao dịch hôm qua (22/6), giá vàng SJC biến động trái chiều. Công ty VBĐQ Sài Gòn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và nhích thêm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên mở cửa buổi sáng, hiện niêm yết tại 56,45 - 57,00 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu lại điều chỉnh giá vàng SJC đi xuống, giảm lần lượt từ 50.000 đồng/lượng đến 100.000 đồng/lượng so với giá đầu phiên sáng nay, hiện niêm yết tại 56,52 - 56,94 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng giảm mạnh niêm yết tại 51,88 - 52,49 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,15 - 52,25 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu mua vàng giảm, nhiều tiệm vàng phải đóng trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng Covid-19. Tuy nhiên, giá vàng SJC vẫn được neo ở mức cao khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới tiếp tục tăng lên 7,3 triệu đồng/lượng.
Bài toán hóc búa về lạm phát thách thức thị trường hàng hóa
Cuối ngày 22/6, trong bài phát biểu điều trần trước Hạ viện Mỹ về phản ứng của Fed trước các ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế, Chủ tịch Fed Powell cũng không đưa ra tín hiệu mới nào và chỉ nói rằng, nền kinh tế đang cải thiện, những vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro từ đại dịch.
Thông báo của Fed sau cuộc họp chính sách vào tuần trước cho thấy, Fed có thể thực hiện hai đợt tăng lãi suất vào năm 2023 và hiện họ đang thảo luận về một mốc thời gian để giảm bớt việc mua tài sản đã khiến thị trường chứng khoán và kim loại quý rơi vào tình trạng khủng hoảng vào tuần trước.
Tuy nhiên, đến hôm nay chúng ta đã chứng kiến sự đảo ngược 180° đối với cả cổ phiếu và kim loại quý, dẫn đến cả hai thị trường tài chính đều tăng mạnh.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã tăng 586 điểm (+ 1,76%) trong ngày hôm nay và các kim loại quý đều đã có một phiên tăng mạnh. Sự đảo ngược ngày hôm nay trên thị trường một phần là do tuyên bố của hai thành viên Fed là Chủ tịch Robert Kaplan của Dallas và Chủ tịch của St. Louis James Bullard.
Hôm qua, tại một hội thảo trực tuyến do Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức tài trợ, cả hai vị quan chức này đều chia sẻ thẳng thắn nhận định rằng, họ thấy “lạm phát cao vẫn tồn tại vào năm 2022 trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và thậm chí còn có tốc độ mạnh hơn nhiều đồng nghiệp của họ dự đoán.
Theo MarketWatch, George Saravelos - Chiến lược gia tiền tệ tại Deutsche Bank phân tích, việc “đọc” và theo sát các phản ứng trên các thị trường tài chính có thể báo hiệu rằng, các nhà đầu tư không nghĩ rằng, "Fed sẽ có khả năng tăng lãi suất mạnh ngay khi chu kỳ tăng bắt đầu".
Trong khi đó, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại quỹ StoneX - Rhona O’Connell, nhận xét cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tuần trước không có thông điệp chính sách mềm mỏng như trong quá khứ, nhưng rõ ràng các thay đổi được tính đến đó chưa được áp dụng ngay.
Cũng theo chuyên gia O’Connell, nhìn từ phản ứng của thị trường, người ta hẳn đã nghĩ cuộc họp này sẽ có thông điệp chính sách cứng rắn và thay đổi chính sách đột biến hơn, giá vàng vốn chịu áp lực từ trước đó đã giảm sâu và rơi vào trạng thái "quá bán". Tuy nhiên ngay sau đó, làn sóng mua giá rẻ dâng cao và có thể dự báo về khả năng giá vàng sẽ tăng, bà O’Connell dự báo.
Từ rạng sáng hôm kia, hợp đồng vàng tương lai đã hoạt động tích cực nhất vào tháng 8/2021 tăng 14,50 USD và cố định ở mức 1.783,50 USD/ounce. Sang ngày hôm qua, dù lúc lên lúc xuống, mức giá này vẫn đang được giữ vững.
Dựa trên các nghiên cứu kỹ thuật, vàng đã đóng cửa trên một điểm nhạy cảm và ở một khu vực quan trọng. Nghiên cứu này dựa trên mức thoái lui Fibonacci bắt đầu ở mức thấp thứ hai, tạo đáy kép vào cuối tháng 3, lên mức cao nhất vào cuối tháng 5 khi vàng giao dịch ở mức 1.918 USD/ounce. Và tuần trước, vào thứ Sáu, giá vàng đi xuống đáng kể khiến giá vàng đóng cửa ở mức 1.769 USD/ounce.
Đó là điểm giá chính xác mà mức thoái lui Fibonacci 61,8% xảy ra từ tập dữ liệu được đề cập ở trên. Hôm nay vàng mở cửa dưới mức giá đó ở mức 1764,30 đô la nhưng tăng trở lại và đóng cửa cao hơn mức quan trọng đó, đóng cửa cách mức thấp 20 USD.
Diễn biến có thể đang báo hiệu về một sự phục hồi kỹ thuật đối với mức kháng cự hiện tại ở 1.795,4 USD/ounce, dựa trên đường trung bình động 100 ngày. Điều này có thể cho thấy, vàng đã trở nên quá bán và nhiều nhà giao dịch đã tìm cách mua vào từ mức giảm được tạo ra từ sự sụt giảm lớn vào tuần trước.
Người Mỹ lo ngại lạm phát tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch
Kết quả cuộc thăm dò do Harvard CAPS/Harris vừa công bố cho thấy, phần lớn người Mỹ lo ngại về lạm phát và không tin tưởng vào khả năng của chính phủ trong việc xử lý vấn đề này.
Theo đó, 85% số người được hỏi nói rằng "ít nhất" có phần nào lo ngại về tình trạng lạm phát, bao gồm 45% nói rằng họ “rất lo ngại”. Những lo lắng gia tăng xuất hiện sau tin tức rằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,6% trong tháng trước khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo Cục Thống kê Lao động, trong năm qua tốc độ lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 13 năm, lên tới 5%. Các quan chức hàng đầu, bao gồm Chủ tịch Fed Powell đã dự báo rằng tỷ lệ lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống hoặc Fed sẽ đưa ra các biện pháp để điều chỉnh vấn đề này.
Theo chuyên gia Mark Penn, Giám đốc cuộc thăm dò của Harvard CAPS/Harris cho biết, lo ngại về lạm phát đang đạt mức cao mới, khi mọi người bắt đầu chi tiêu sau những hạn chế do đại dịch Covid-19. chuyên gia này còn nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ phải xem đây là một vấn đề tiềm ẩn trong tương lai. Ngày càng nhiều người Mỹ bắt đầu tin rằng, sức mạnh của nền kinh tế đang tăng lên khi các hạn chế trong giai đoạn đại dịch được dỡ bỏ và sô người được tiêm chủng nhiều hơn.