Giá vàng hôm nay 24/8: Tăng nhẹ
Sáng 24/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào 56,50 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 57,20 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với thời điểm chốt phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới giá vàng tăng nhẹ, tại thời điểm mở phiên giao dịch 24/8 (theo giờ Việt Nam) giá vàng đang được niêm yết trên Kitco là 1.801,4 USD/ounce.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 22.925 VND, giá vàng thế giới tương đương 49,75 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,45 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.
Giá vàng thế giới hôm nay chính thức chinh phục mốc 1.800 USD/ounce. (Nguồn: Kitco) |
Cập nhật diễn biến giá vàng
Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco bứt phá mạnh khi doanh số bán nhà của Mỹ tăng 2% trong tháng 7/2021, cao hơn kỳ vọng của thị trường.
Bên cạnh đó, IHS Markit cho biết, Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất tại Mỹ trong tháng 8/2021 đã giảm xuống 61,2 so với mức 63,4 của tháng 7/2021.
Song song với đó, chỉ số đồng USD đã giảm 0,1%, rời khỏi mức đỉnh của 9 tháng rưỡi ghi nhận trong tuần trước, qua đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền tệ khác.
Vàng đã tăng 19 USD, lên mức 1.799, 7 - 1.800,7 USD/ounce.
Virus chủng mới Delta hoành hành, khiến nhiều địa phương phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong nhiều ngày, thị trường kim loại quý vì thế khá trầm lắng, một số thương hiệu như VBĐQ Sài Gòn chỉ có một số thay đổi nhẹ, một số khác như Tập đoàn Doji, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu... tiếp tục không điều chỉnh tăng giảm theo cả hai chiều giao dịch.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết giá vàng SJC ở 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,25 - 57,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,60 - 57,60 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,45 - 57,20 triệu đồng/lượng.
Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Vàng sẽ giữ đà tăng?
Tuần trước, Nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Daniel Pavilonis nhận định, mặc dù vàng đã nhanh chóng ổn định trên 1.700 USD/ounce sau một đợt sụp đổ nhanh chóng vào tuần trước, nhưng kim loại quý chưa đủ hỗ trợ để có thể đưa giá lên mức cao hơn.
Nhà môi giới Pavilonis nói: “Vàng đang nằm ngay trên đường xu hướng giảm và có thể tiếp tục giảm giá. Không chỉ vàng, bạc cũng đang ở mức thấp và tôi nghĩ vàng sẽ bắt đầu theo sau bạc. Đợt giảm tiếp theo, vàng có thể sẽ 'dừng chân' ở mức 1.670 USD".
Không chỉ ông Pavilonis, nhiều chuyên gia khác cũng hoài nghi về đà tăng của giá vàng trong tuần này. Tuy nhiên, giá vàng đã có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục và chính thức chinh phục ngưỡng kháng cự quan trong 1.800 USD/ounce.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Bank of Montreal (BMO) có trụ sở tại Canada, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro mới xuất phát sự gia tăng của biến thể Covid-19 mang tên Delta.
Tháng trước, ngân hàng Canada cho biết, giá vàng trung bình trong năm nay vào khoảng 1.815 USD/ounce.
Tâm lý tăng giá mới của ngân hàng xuất hiện sau khi gần đây, ngân hàng đã hạ ước tính tăng trưởng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, nhà kinh tế trưởng của BMO Douglas Porter cho biết, ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ dưới 6% và nền kinh tế Mỹ sẽ mở rộng thêm 6% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 6,7%.
Ông Porter cho hay, đợt thứ tư của đại dịch Covid-19 có thể mang nghĩa là tốc độ tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm.
Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Hiện khá rõ ràng rằng, nhiều khu vực đang phải đối phó với một làn sóng virus tiếp theo đang bùng phát. Điểm mấu chốt là rủi ro đã chuyển từ tăng sang giảm, với các bản sửa đổi tiếp theo nhiều khả năng sẽ đi xuống".
Ông Porter cũng lưu ý, không chỉ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại mà lạm phát gia tăng có thể còn kéo dài hơn nhiều nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đang mong đợi.
Nhà kinh tế Porter bình luận: "Đơn giản, làn sóng kích thích tài khóa nhiều hơn dự kiến đã được chuyển sang tăng giá hơn là tăng sản lượng. Các trường hợp Covid-19 gia tăng cũng có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung tiếp tục gây thêm áp lực giá tăng. BMO hiện đang dự báo lạm phát tăng 4,1% cho năm 2021.
Mặc dù biến thể Delta là một rủi ro đối với tăng trưởng và ít nhất sẽ kéo dài đà phục hồi, nhưng nó cũng gây ra rủi ro ngược lại đối với lạm phát".
Thị trường kim loại quý đang chờ đợi hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào cuối tuần này.
Giám đốc kinh tế quốc tế James Knightley của ING cho biết: "Cuộc thảo luận tiêu đề sẽ là 'Chính sách kinh tế vĩ mô trong một nền kinh tế không đồng đều nhưng trọng tâm chính của các thị trường sẽ là các cuộc thảo luận xung quanh những gì có vẻ như sắp cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed".
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell, sẽ được đưa ra vào ngày 27/8. Sắp tới, Fed có khả năng không muốn thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh, đặc biệt là với rủi ro biến thể của virus dịch Covid-19 đang gia tăng.