📞

Giá vàng hôm nay 25/1/2024: Giá vàng 'đuối sức', khó bứt phá mạnh, thị trường đi ngược quy luật

Linh Chi 06:06 | 25/01/2024
Giá vàng hôm nay 25/1/2024 bật tăng nhẹ, đi ngược quy luật, bởi những căng thẳng tại Biển Đỏ chưa “hạ nhiệt”. Chuyên gia nhận định, thị trường vàng đang ở môi trường trung lập khi giá tiếp tục duy trì trên 2.000 USD/ounce và không thể bứt phá khỏi phạm vi hiện tại.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 25/1TỶ GIÁ HÔM NAY 25/1


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 25/1/2024

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 14/1 đồng loạt bật tăng 200.000 đồng/lượng.

Vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mốc 74,2 - 76,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tương tự, Tập đoàn DOJI tiếp tục niêm yết vàng 9999 tại mức 74,15 – 76,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Theo các chuyên gia, hiện mức chênh lệch mua - bán vàng trong nước bị cho là quá lớn. Điều này có thể đẩy người mua đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư.

Giá vàng thế giới bật tăng trong phiên giao dịch ngày 24/1, cùng chiều với thị trường trong nước.

Ghi nhận của TG&VN lúc 19h ngày 24/1, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.033,4 - 2.034,4 USD/ounce, tăng 4,5 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Đồng USD đã tăng khá tốt trong giỏ thanh toán quốc tế. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,23% lên mức 103.216 điểm - ghi nhận sáng 24/1.

Thông thường, đồng USD tăng và dữ liệu kinh tế tích cực thì giá vàng giảm. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay giá vàng thế giới lại đi ngược quy luật, bởi những căng thẳng tại Biển Đỏ chưa “hạ nhiệt”.

Kể từ khi căng thẳng xảy ra, đã có ít nhất 2.300 chuyến tàu phải chuyển hướng vận tải đi đường vòng. Vận tải đường biển qua khu vực Biển Đỏ thường xuyên chiếm hơn 12% thương mại đường biển toàn cầu.

Những căng thẳng gia tăng, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa đang bị ảnh hưởng, làm gia tăng chi phí lên hàng hóa. Điều này, khiến nhiều ngân hàng trung ương đã đưa ra nhận định lạm phát có thể gia tăng gây cản trở đến lộ trình cắt giảm lãi suất, cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.

Các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, ngân hàng cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra bất kỳ ý kiến nào liên quan đến việc cắt giảm lãi suất nào và thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ muộn hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường.

Theo FedWatch Tool, các thị trường đang dự đoán, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2024 diễn ra vào ngày 30-31/1 và đã lùi thời điểm của đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Giá vàng hôm nay 25/1/2024: Giá vàng 'đuối sức', khó bứt phá mạnh, thị trường đi ngược quy luật. (Nguồn: Forbes)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC giao dịch tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 24/1/2024:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở 74,20 – 76,72 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 74,15 – 76,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC tại: 74,20 – 76,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết giá vàng miếng tại: 74,00 – 76,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 74,25 – 76,55 triệu đồng/lượng.

Sức phục hồi của giá vàng yếu đi?

Chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures, thị trường vàng đang ở môi trường trung lập khi giá tiếp tục duy trì trên 2.000 USD/ounce và không thể bứt phá khỏi phạm vi hiện tại.

Chuyên gia phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets cho rằng, sức phục hồi của vàng dường như ngày càng yếu đi, điều này làm tăng nguy cơ suy yếu hơn nữa nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 800 tấn vàng, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cho dù "Hiệu ứng tháng Một" có áp dụng cho giá vàng hay không khi kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, làn sóng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm mới.

Xu hướng đẩy nhanh quá trình phi USD hóa là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua vàng, khi các cường quốc như Trung Quốc và Nga tiếp tục tiến xa hơn về mặt chiến lược khỏi sự thống trị của đồng USD.

Để có thêm động lực mua vàng của ngân hàng trung ương, Fed (từng tuyên bố chiến thắng trước lạm phát) dường như đang từ bỏ việc chống lại lạm phát. Fed biết rằng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạ lãi suất vào năm 2024 - điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần một cách để phòng ngừa trước những chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Lãi suất thấp hơn vào năm 2024 sẽ thúc đẩy khả năng lạm phát tăng cao hơn, dẫn đến đồng USD giảm giá, trong khi giá vàng và các hàng hóa khác tăng cao. Đây là giai đoạn để các ngân hàng bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ của họ nhằm phòng ngừa áp lực giảm giá đối với đồng USD, ngay cả khi Fed tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát.