Trong nước tăng nhanh rồi giảm sốc, thế giới được dự báo tăng tiếp với nhiều yếu tố tiếp tục trợ giá. (Nguồn: Zing) |
Tuy nhiên, đến phiên chiều qua, giá vàng đã có dấu hiệu đi xuống vài trăm nghìn mỗi lượng. Chốt phiên ngày hôm qua, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 53,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nhưng so với cuối ngày hôm trước (23/7), giá vàng trong nước vẫn tăng 500.000-700.000 đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được doanh nghiệp để ở mức rất rộng, phổ biến là 1-1,6 triệu đồng/lượng. Thị trường trong thời gian này có điểm bất thường thấy rõ, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nới rộng chênh lệch giá mua – bán, có thời điểm lên tới gần 2.000.000 đồng/lượng, để tự “bảo hiểm rủi ro”. So sánh với thị trường thế giới, giá vàng trong nước cũng đắt hơn từ 1-2,5 triệu đồng/lượng, tùy từng thời điểm.
Giá vàng trong nước thay đổi từng giờ khiến không ít người lưỡng lự nên bán hay mua. Trong khi đó, lượng giao dịch tại các tiệm vàng lớn tăng khá mạnh trong những ngày qua, nhiều khách hàng phải xếp hàng để bán vàng và cũng có những người mạnh tay mua vào.
Nhận định về tình hình thị trường, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường trong nước đã bám xu hướng tăng của thị trường thế giới, nhưng dù giá vàng trong nước những ngày qua tăng nóng, thì giao dịch mua, bán trên thị trường vẫn ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá mua và bán ở mức từ 500.000 đồng/lượng trở lên như hiện nay thì người mua vàng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Vì vậy, với sự biến động mạnh của giá vàng và chênh lệch mua – bán ở mức rộng, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Còn Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất đến khi dịch Covid-19 được khống chế, nhưng sẽ lên theo hình răng cưa – tức là theo quỹ đạo: lên – điều chỉnh – lên.
Trên thị trường thế giới, vàng đã tăng vọt lên ngưỡng 1.900 USD/ ounce, tiến gần tới mức cao nhất trong lịch sử 9 năm trước và cũng hướng tới tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2011. Hợp đồng vàng tháng 12 có thời điểm đã chạm mốc 1.927 USD/ounce, trên mức kỷ lục cao nhất mọi thời đại của hợp đồng tương lai là 1.923,7 USD đạt được tháng 9/2011.
Giới phân tích đang đặt cược vào đà tăng của vàng khi nhiều yếu tố cùng ủng hộ kim loại quý này. Giới quan sát thì nhận định, vàng sẽ tiếp tục tăng giá trừ khi ngành dược thế giới tìm ra vaccine Covid-19 hoặc nền kinh tế toàn cầu phục hồi theo hình chữ U. Nhưng đó là điều không thể ở thời điểm hiện tại.
Con đường phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mờ mịt. Số người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên, giới đầu tư vẫn cần nơi trú ẩn an toàn để phòng ngừa những biến đổi bất ngờ. Diễn biến phức tạp của Covid-19, quá trình phục hồi kinh tế chậm, tỷ giá thực âm, đồng USD yếu, bất ổn địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung leo thang... đều là những yếu tố đang "ủng hộ" giá vàng.
Trên tờ Bloomberg, UBS Group mới đây dự báo giá vàng có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9 năm nay khi kim loại quý này phát huy thế mạnh là tài sản trú ẩn an toàn trong môi trường lãi suất thấp.
Mark Mobius, đồng sáng lập tại Mobius Capital Partners, được đánh giá là 1 trong 10 nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 tại Mỹ, sánh vai cùng với những tên tuổi lớn khác như Warren Buffett, Julian Robertson, George Soros nhận xét: "Khi lãi suất bằng 0 hoặc gần bằng 0, vàng là phương tiện đầu tư hấp dẫn. Bạn không phải lo lắng về việc không được nhận lãi bởi giá vàng sẽ tăng trong một thị trường tồn tại nhiều vấn đề không chắc chắn".