BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 26/10 và TỶ GIÁ HÔM NAY 26/10
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 26/10/2023
Giá vàng trong nước gây sốc khi đi ngược thế giới và giảm mạnh trong phiên giao dịch chiều 25/10. Chốt phiên này, Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 69,65 triệu đồng/lượng, bán ra 70,35 triệu đồng/lượng - giảm 250.000 đồng/lượng so với buổi sáng.
Tập đoàn DOJI giao dịch vàng SJC mua vào 69,5 triệu đồng/lượng, bán ra 70,3 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới NPJ cho rằng, do quy mô thị trường thu hẹp, lượng giao dịch trên thị trường mỗi ngày đối với vàng SJC quá thấp nên khi có tín hiệu bán, dù nhỏ, cũng làm giá vàng SJC lao dốc.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K có tỉ lệ sinh lời tốt hơn nên được nhà đầu tư quan tâm hơn vàng SJC.
Giá vàng thế giới chịu áp lực chốt lời sau khi vừa trải qua một đợt tăng mạnh. Giới đầu tư chốt lời khi đồng USD có tín hiệu tăng mạnh trở lại. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ bởi những bất ổn địa chính trị, sự suy giảm của nhiều loại tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều thách thức.
Ghi nhận của TG&VN, đến 19h30 ngày 25/10, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.973,7 - 1.974,7 USD/ounce, tăng 3,2 USD so với phiên liền trước.
Giá vàng hôm nay 26/10/2023: Giá vàng SJC gây sốc khi bất ngờ 'sụt hố', thế giới ngược chiều duy trì ổn định. (Nguồn: Newsweek) |
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 25/10:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 69,65 – 70,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,50 – 70,30 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,60 – 70,35 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 69,60 – 70,35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 69,65 – 70,30 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 58,03 – 58,98 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 57,60 – 58,80 triệu đồng/lượng.
Cần cân nhắc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay vàng chỉ được xem là một kênh đầu tư, quy mô thị trường cũng thu hẹp rất nhiều so với nhiều năm trước.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho rằng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" ở giai đoạn năm 2012-2013, góp phần lập lại trật tự, ổn định thị trường này.
"Đến thời điểm này, bối cảnh nền kinh tế đã khác nên cần thiết sửa đổi nghị định để sát thực tế hơn", ông Khánh nhận định.
Thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội ngày 24/10 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề cập tới tình trạng độc quyền vàng miếng, khiến giá trong nước chênh cao so với thế giới.
Phó bí thư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: "Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một 'thước đo' cho chênh lệch cung - cầu vàng, có thể thấy thị trường đang thiếu cung. Vàng SJC (thương hiệu vàng quốc gia) đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập".
Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24. Theo đó, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này.
Theo các đại biểu, sau các đợt điều chỉnh trong tháng 10, giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn thế giới gần 14,5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là khoảng cách lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.
"Cần cân nhắc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường hoặc phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động nguồn lực trong dân thay vì đấu thầu như hiện nay. Việc này góp phần đảm bảo thị trường hoạt động, minh bạch", Phó bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ.