📞

Giá vàng hôm nay 26/3: USD mạnh lên, vàng chìm xuống, đến lúc bán chốt lời?

Minh Anh 05:05 | 26/03/2021
TGVN. Lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm, thị trường trái phiếu trở nên ổn định hơn sau đợt tăng mạnh nhất trong một năm qua, nhưng USD tiếp tục tăng mạnh mẽ, xoá bỏ sự hỗ trợ cho thị trường vàng từ xu hướng lợi suất trái phiếu suy yếu. Giá vàng giảm xuống dưới 1.730 USD/ounce và có thể còn giảm tiếp. Giá vàng SJC trong nước theo chân vàng thế giới.
Nếu giá vàng không chinh phục được ngưỡng 1.740-1.742 USD/ounce thì đà bán chốt lời ngay lập tức sẽ đè nặng lên xu hướng tăng. (Nguồn: .Fxempire)

Cập nhật giá vàng hôm nay 26/3

Cuối phiên 25/3, vàng SJC trong nước đồng loạt giảm khoảng 20.000 - 100.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên mở cửa buối sáng, niêm yết tại 55,08 - 55,48 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm lần lượt từ 70.000 - 80.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 55,17 - 55,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long niêm yết giảm ở 51,36 - 51,96 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức cũng theo đà giảm, giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm nay niêm yết trên sàn Kitco tại 1.726,1 - 1.727,1 USD/ounce giảm 8,2 USD (tương đương 0,47%) so với phiên liền trước, theo ghi nhận của TG&VN lúc 0h15 ngày 26/3. Giá vàng giao tháng 5 cũng giảm 0,22% xuống 1.729 USD/ounce.

Cập nhật giá vàng trong nước hôm nay 26/3, giá vàng SJC tiếp tục giảm

Mở cửa buổi sáng, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh 160.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với phiên đóng cửa chiều qua, hiện niêm yết tại 54.92 - 55.32 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm mạnh, lần lượt 210.000 - 150.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 54,96 - 55,30 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long niêm yết giảm ở 51,21 - 51,81 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức cũng theo đà giảm, giao dịch tại 50,60 - 51,70 triệu đồng/lượng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 23.190 VND), giá vàng thế giới tương đương 48,31 triệu đồng/lượng thấp hơn vàng SJC trong nước khoảng 7 triệu đồng.

Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ vẫn trong đà tăng mạnh, hiện tăng 0,08% lên 92,6. USD đã lên cao nhất trong 4 tháng so với Euro trong phiên giao dịch ngày 25/3, do lo ngại về làn sóng bùng dịch Covid-19 thứ ba tại châu Âu có thể làm chậm lại đà phục hồi kinh tế của khu vực này, trong khi khả năng chính phủ Mỹ tăng thuế hiện hữu. USD mạnh lên làm tăng chi phí sở hữu vàng đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Phân tích thị trường: Cẩn trọng với khả năng bán chốt lời

Diễn biến thị trường cho thấy, một trong những vấn đề đối với vàng là dường như đang có hai quan điểm của giới đầu tư, một bên là những người lo lắng về khả năng diễn ra các đợt phong tỏa xã hội mới ở châu Âu và một bên là những người có cái nhìn rất tích cực về triển vọng kinh tế. Bởi vậy, yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng trong giai đoạn này.

Bởi vậy, cho dù vàng ngược dòng tăng trở lại nhưng theo phân tích kỹ thuật nếu kim loại quý này không chinh phục được ngưỡng 1.740-1.742 USD/ounce thì đà bán chốt lời ngay lập tức sẽ đè nặng lên xu hướng tăng của giá vàng ngay khi nó xuất hiện.

Lượng vàng nắm giữ tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust, đã giảm 0,2% xuống 1.043,03 tấn ngày 24/3.

Hiện tại, vàng đang được hỗ trợ ở các ngưỡng 1.720 USD/ounce và ngưỡng tâm lý 1.700 USD/ounce. Nếu vàng mất mốc 1.720 USD/ounce thì có thể còn xuất hiện thêm một đợt bán tháo khác và giảm về phía mốc 1.700 USD/ounce. Đây là ngưỡng tâm lý và cũng là mức đáy vào ngày 12/3 vừa qua.

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, có khả năng được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn để vực dậy đà tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 24/3 cho biết, ngân hàng này sẽ bắt đầu tăng lãi suất tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế và Fed sẽ không hạn chế bớt việc nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi thấy những cải thiện rõ rệt của nền kinh tế.

Chỉ số USD Index tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là do lo ngại về tình trạng đình trệ kinh tế kéo dài ở châu Âu và khả năng tăng thuế tại Mỹ, qua đó khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã phát đi tín hiệu rằng Tổng thống Joe Biden có thể đề xuất nâng thuế doanh nghiệp lên 28% trong bối cảnh ông đang thúc đẩy các đề xuất kích thích kinh tế tốn kém, trong đó có việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều, với cổ phiếu châu Âu phần lớn yếu đi và cổ phiếu châu Á tăng mạnh. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ biến động trái chiều.

Một yếu tố đáng chú ý đối với thị trường, được giới đầu tư theo dõi chặt là cuộc đấu giá 62 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 7 năm. Trước đó, phiên đấu giá trái phiếu kho bạc diễn ra vào tháng Hai thất bại, đã dẫn đến một đợt bán tháo lớn.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng, thế giới không chỉ toàn màu hồng

Một trong những chủ đề chính luôn được quan tâm hàng đầu trong tâm trí của những người tham gia thị trường và định hình nên tâm lý thị trường là nền kinh tế Mỹ quan trọng và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, vượt biên giới, đặc biệt trong thế giới phẳng như hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế, dù nền kinh tế số 1 đang cho thấy một số tín hiệu tăng trưởng tốt, nhưng châu Âu vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề phát sinh từ đại dịch. Từ Đức tới Ba Lan đều cho thấy một giai đoạn bế tắc đang trở lại, khi họ cố gắng xử lý những tác động chưa từng có của đại dịch.

Nước Mỹ không phải là một hòn đảo và cho dù, sự phục hồi kinh tế đang trở lại đất nước này, thì sự hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ là điều kiện đủ và cần thiết để nền kinh tế Mỹ phát triển. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thương mại toàn cầu, trong đó tất cả các quốc gia, ở một mức độ nào đó, đều phụ thuộc vào các quốc gia khác để tiếp tục tăng trưởng và mở rộng kinh tế. Nền kinh tế của Mỹ chỉ có thể phục hồi ở một mức độ nhất định khi mà phần còn lại của thế giới có thể đạt được điều tương tự.

(theo Kitco, Economictimes)