Giá vàng hôm nay 2/7: Thế giới giữ mốc quan trọng
Đầu ngày 2/7, giá vàng thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tại 1.814 USD/ounce. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch này có thời điểm giá vàng xuống còn 1.790 USD/ounce – mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua. Thế nhưng sau đó, giá vàng thế giới bất ngờ vọt lên và giữ được mốc quan trọng 1.800 USD/ounce.
Ở thị trường trong nước, ở phiên giao dịch cuối tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68,2-68,8 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68,1-68,7 triệu đồng/lượng, chưa có sự thay đổi so với chốt phiên liền trước.
Giá vàng hôm nay 2/7: Giá vàng trải qua quý giao dịch tồi tệ, thị trường hết 'điềm lành', còn lý do để lạc quan? (Nguồn: Bloomberg) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 2/7
Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chính thức mất ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce trong chiều 1/7. Đến 19h30 ngày 1/7, giá vàng tại sàn Kitco giao dịch ở mức 1.787,8 - 1788,8 USD/ounce, giảm 19,7 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Tại thị trường châu Á, giá kim loại quý cũng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 1/7. Chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới và đồng USD mạnh đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.797,19 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/5 là 1.794,62 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ mất 0,5%, xuống 1.798,60 USD/ounce.
Kết phiên 1/7, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,15 - 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chốt phiên giao dịch ngày 30/6, bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,15 – 68,77 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,10 – 68,70 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,15 – 68,72 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,10 – 68,70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,18 – 68,70 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,14 – 53,84 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,50 – 53,70 triệu đồng/lượng.
Vàng không có "điềm lành" trong ngắn hạn
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters cho biết, giá vàng giao ngay đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce và có thể dẫn đến đà giảm xuống 1.784 USD/ounce.
Stephen Innes, đối tác quản lý của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ) cũng nhận định, giá kim loại quý đã bắt đầu đi xuống từ siêu chu kỳ giảm phát hàng hóa do các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và đồng USD vẫn mạnh, bất chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ thấp.
Đồng bạc xanh mạnh, hướng tới các “đỉnh” cao trong hai thập niên tiếp tục khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/6.
Dữ liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tốc độ tăng lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm nhẹ trong tháng 5/2022 sau khi đạt mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Điều này có thể khiến Fed tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất mạnh vào tháng tới.
Kim loại quý đã để mất hơn 8% giá trị trong quý II/2022, ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ quý I/2021. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.
Trong vài tuần qua, vàng vẫn bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch hẹp ở mức thấp 1.800 USD/ounce.
Dù được coi là hàng rào chống lạm phát, mối quan hệ giữa vàng và áp lực giá hầu như không thay đổi trong hai năm qua. Mặt khác, lạm phát của Mỹ đã liên tục tăng trong 9 tháng qua trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục gặp khó khăn.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm khoảng 1,6% trong quý I/2022 so với mức tăng 6,9% trong quý IV/2021.
Số liệu GDP đã củng cố đồn đoán của thị trường rằng, Mỹ đang đứng trước một cuộc suy thoái kinh tế. Với mức giảm 1,6% trong quý I/2022, về mặt kỹ thuật, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không tăng trưởng trở lại vào cuối quý thứ hai, kết thúc vào ngày 30/6.
Thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng từ 7,5% lên 12,5% Ngày 30/6, chính phủ Ấn Độ thông báo tăng thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5%. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Somasundaram PR, Giám đốc điều hành khu vực hoạt động của Hội đồng vàng thế giới tại Ấn Độ cho biết, việc tăng thuế nhập khẩu đối với vàng nhằm giảm bớt áp lực kinh tế vĩ mô lên đồng Rupee của Ấn Độ. Tại Mumbai, giá vàng giao sau trong nước đã ghi nhận mức tăng 4% chỉ trong một phiên giao dịch do chi phí nhập khẩu tăng cao. Giới quan sát cho rằng, Ấn Độ cũng có thể nhập khẩu vàng giá rẻ từ Nga sau thông tin các nền kinh tế lớn cấm vận loại hàng hóa này. |
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được truyền trực tiếp từ Bồ Đào Nha, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay, Fed đang cố gắng đối phó với lạm phát. Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất để đạt được điều này, mặc dù không có gì đảm bảo cơ quan này có thể giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Theo nhiều nhà kinh tế, Fed đã để lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài. Fed đã giữ lãi suất ở mức từ 0% đến 0,25% trong hai năm trong giai đoạn dịch bệnh và chỉ tăng lãi suất trong năm nay vào tháng 3/2022. Tiếp đó, Fed tháng 6/2022 đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản lên 1,5-1,75%.
Fed cho hay sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát, hiện ở mức cao nhất trong 40 năm là hơn 8%, quay trở lại mục tiêu 2% mỗi năm. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất như vậy có thể không phải là "điềm báo" tốt cho vàng.
Mặc dù vậy, một số nhà kinh doanh vàng vẫn nhìn ra lý do để lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn của kim loại quý này.
Phillip Streible, chiến lược gia kim loại quý của công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho rằng, mức tăng của đồng USD có thể sẽ “biến mất” khi Fed không còn quá cứng rắn với kế hoạch tăng lãi suất, điều có lợi cho vàng.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán bất ổn và thị trường tiền điện tử suy giảm nhanh lại hỗ trợ vàng như một loại tài sản trú ẩn an toàn. Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp phủ sắc đỏ. Trong khi đó, các đồng tiền số tiếp tục bốc hơi, Bitcoin đang về trở lại ngưỡng 19.000 USD.