Giá vàng trong nước níu mốc 55 triệu, thế giới giảm sâu nhất 6 tuần, không còn sự lạc quan? (Nguồn: Businesstoday) |
Kết thúc tuần trước, giá vàng thế giới tiếp tục chốt lại một tuần giảm mạnh, bằng một phiên lao dốc, dao động quanh mức thấp nhất của hai tháng. Một tuần giá vàng mất hơn 5% so với cuối tuần trước, với lý do chính là sự lấn lướt do xu hướng USD tăng mạnh. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 3.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyên không nên kỳ vọng sự biến động trên thị trường sẽ sớm kết thúc, bởi đang có quá nhiều sự không chắc chắn và có thể sẽ biến động lộn xộn trong một thời gian nữa. Có thể đó cũng chính là lý do trong kết quả cuộc khảo sát về xu hướng thị trường vàng trong tuần tới, các nhà phân tích phố Wall gần như chia làm 3 hướng ngang nhau (tương đương tăng-giảm-đi ngang là 38% : 31% : 31%).
Chuyên gia Afshin Nabavi, người đứng đầu bộ phận giao dịch của MKS (Thụy Sĩ) SA thậm chí đã tiết lộ, ông không chỉ đưa ra ý kiến trung lập về giá vàng, mà còn đứng ngoài chờ đợi một xu hướng rõ ràng hơn xuất hiện.
Phiên giao dịch cuối tuần trước (25/9), giá vàng thế giới giao ngay giảm 0,2% xuống 1.864,39 USD/ounce vào lúc 0 giờ 49 phút (sáng 26/9 theo giờ Việt Nam), trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,6% xuống 1.866,30 USD/ounce.
Nhìn chung, xu hướng chủ đạo của giá vàng tuần qua là đi xuống với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng giá. Những hoài nghi về số phận gói kích thích kinh tế ở neenfkinh tế lớn nhất thế giới là yếu tố chính “phủ bóng” lên tâm lý thị trường. Trong đó, phiên cuối của tuần trước, trong khi cả lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều nhất trí cần một gói các biện pháp hỗ trợ mới để vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19, thì họ đều chưa thể quyết định về quy mô gói kích thích cần thiết. Sự "nghi ngờ" đã khiến các nhà đầu tư đặt cược nhiều hơn vào USD.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại xuất hiện. Cách biệt giá vàng trong nước và thế giới ngày càng xa, chênh lệch cao nhất trong vòng vài tháng trở lại.
Hiện tại, giá bán vàng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn bám trụ ở mức 55,6 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua - bán ở mức 500.000 đồng/lượng. Trong khi giá vàng thế giới quy đổi tương đương vào khoảng 52,2 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, giá bán vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới đến 3,4 triệu đồng/lượng.
Bởi vậy, trong tuần tới, nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh thì giá vàng SJC sẽ khó duy trì ở mức cao như hiện nay.
Liệu trong tuần tới diễn biến giá vàng như thế nào? Có quá nhiều yếu tố không chắc chắn khiến thị trường được dự báo sẽ "lộn xộn" trong thời gian ngắn phía trước. Sau khi giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng trước, thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh sâu là không tránh khỏi. Đây là một đợt điều chỉnh khá sâu.
Một số nhà phân tích cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến USD để đánh giá xem vàng sẽ giảm thêm bao nhiêu. USD có thể còn tiếp tục tăng và ảnh hưởng đến giá vàng trong ngắn hạn và rất có thể thị trường vàng còn phải trải qua một đợt rung lắc nữa trước khi định hình xu hướng trong thời gian tới.
Trong khi đó, chỉ số USD dù đã mất sự phục hồi lên mức cao nhất trong hai tháng qua, khi tiếp cận vùng kháng cự quan trọng. Nhưng USD được cho là vẫn trên đà tăng giá hàng tuần lớn nhất, kể từ đầu tháng Tư.
Dù không chắc chắn về xu hướng giá vàng trong tuần tới, nhưng một số nhà phân tích đang theo dõi xem liệu giá vàng có giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.850 USD/ounce hay không. Nhà phân tích Christopher Lewis, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của FXEmpire cho rằng, nếu vàng không giữ được mức hỗ trợ vững chắc quanh 1.850 USD/ounce vào tuần tới, giá rất có thể sẽ về dưới 1.800 USD. "Đây sẽ là ngưỡng rất quan trọng, có thể là một cơ hội tuyệt vời, chắc sẽ có rất nhiều người mua vào ở mức giá đó.", Chuyên gia Christopher Lewis dự đoán.
Các nhà quan sát cũng cho rằng, dù giá vàng đang đi xuống, giới đầu tư vẫn còn chịu nhiều yếu tố khác chi phối, như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc hay tình trạng bế tắc của gói kích thích mới tại Washington. Việc phân tích các số liệu kinh tế mới nhất ở Mỹ, để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng rất được coi trọng. Bất kể những tín hiệu mới nào cũng có thể ảnh hưởng tới nhiều thông số khác của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vàng. Việc doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 tăng yếu hơn so với dự báo, kết hợp với thông tin doanh số bán lẻ tháng Bảy của Trung Quốc giảm 1,1%, là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Đó là lý do tại sao vaccine rất quan trọng, người tiêu dùng thế giới sẽ không cảm thấy hoàn toàn tự tin để đi du lịch và chi tiêu, cho đến khi họ cảm thấy thất thật sự an toàn.
Về dài hạn, theo các chuyên gia, vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng giá, nhưng việc giá có sớm tăng trở lại hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu Fed vẫn giữ quan điểm chính sách hiện tại là duy trì lãi suất gần bằng 0% và kéo dài cho đến khi đạt được lạm phát mục tiêu 2% và nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu khởi sắc thì giá vàng sẽ giảm sâu dưới mức 1.800 USD/ounce.
Ngược lại, nếu như dịch bệnh không được kiểm soát, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang với mâu thuẫn gia tăng và các lệnh trừng phạt mới sẽ khiến quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19 chậm hơn, cùng với lượng tiền lớn đã đẩy vào nền kinh tế và gói hỗ trợ mới được tung ra sẽ khiến đồng USD đi xuống... và giá sẽ vàng quay lại mốc 2.000 USD/ounce, trong xu hướng tăng dài hạn như vẫn được dự báo.