Giá vàng hôm nay 29/1: (Nguồn: Getty) |
Cập nhật giá vàng hôm nay
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều hôm qua (28/1) do giới đầu tư quay trở lại coi đồng USD như thứ tài sản an toàn sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế tại Mỹ.
Ghi nhận của TG&VN, lúc 4h30 ngày 29/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco giảm nhẹ về mức 1.843,6 - 1.844,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tiếp tục giảm 1 USD so với chốt phiên giao dịch liền trước. Đến 11h30 cùng ngày, giá giảm tiếp 1 USD, hiện đứng ở 1.842,6 - 1.843,6 triệu đồng/lượng
Trong khi đó, giá vàng tại thị trường trong nước sáng nay vẫn tăng nhẹ. Lúc 11h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,20 – 56,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với giá đầu phiên cùng ngày.
Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết tăng nhẹ ở mức giá 56,34 – 56,64 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long và vàng trang sức hiện được niêm yết ở 54,49 - 55,14 triệu đồng/lượng.
Diến biến trái chiều của giá vàng trong nước được cho có liên quan đến tâm lý thị trường, lo ngại về sự bất ổn khi dịch Covid-19 đã chính thức quay trở lại Việt Nam, "với mức độ nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn những lần chúng ta phát hiện trước đây", theo đánh giá của giới chuyên gia.
Chốt phiên giao dịch chiều qua (28/1), giá vàng SJC đảo chiều, tăng trở lại trong khoảng 100.000 - 300.000 đồng/lượng tại một số hệ thống cửa hàng kinh doanh. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,15 – 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với giá đầu phiên cùng ngày. Giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 520.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng tại hệ thống Bảo tín Minh Châu chốt phiên bật tăng mạnh thêm 300.000 đồng/lượng chiều mua và 280.000 đồng/lượng chiều bán, niêm yết tại 56,32 – 56,60 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long và vàng trang sức hiện được niêm yết ở 54,46 - 55,11 triệu đồng/lượng.
Lý do xu hướng giảm có thể chưa chấm dứt?
Giá vàng lao dốc không phanh ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giữ nguyên lãi suất 0% -0,25% trong phiên họp đầu tiên của năm 2021. Đồng thời, Fed cam kết tiếp tục bơm ra thị trường 120 tỷ USD/tháng, bao gồm mua ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 40 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) mỗi tháng, nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bị suy thoái do dịch bệnh.
Nhà phân tích Kyle Rodda của IG Market, cho rằng, thị trường có thể đã rất thất vọng khi Fed không có thêm động thái nào về định hướng chính sách hay triển vọng của các biện pháp kích thích, do đó các tài sản rủi ro xuống giá, còn USD tăng giá, nhà đầu tư quay lại mua USD, vàng chịu sức ép.
USD đã tăng trở lại, neo ở gần mức cao nhất trong hơn 1 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác, do các thị trường cổ phiếu giảm, là lực cản khiến giá vàng khó có thể tăng trong thời điểm này.
Giá vàng cũng đang chịu áp lực từ sự trì hoãn của gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất đầy tham vọng của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, vì không được phe Cộng hòa "bật đèn xanh" do những lo ngại rằng nó quá đắt đỏ. Nền kinh tế đang ở vào một thời điểm khá khó xác định được triển vọng khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và các chính sách kinh tế của chính quyền mới của ông Joe Biden vẫn chưa rõ ràng.
Trong một diễn biến khác, giới đầu tư đang bán vàng nhiều hơn mua, cũng tạo sức ép lên giá vàng. Các quỹ đầu tư trên toàn cầu đã đồng loạt bán tới 1,33 tấn vàng chỉ trong 1 đêm (từ đêm 26 đến rạng sáng 27/1). Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng phiên thứ hai liên tiếp, với khối lượng bán ra gần 4 tấn, giảm mức nắm giữ còn 1.169,2 tấn, lượng bán tổng cộng trong 2 phiên lên tới hơn 5 tấn.
Tuy nhiên, Nhà tư vấn Harshal Barot của Metals Focus cho rằng, nếu các thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang mua vàng trở lại. Theo ông, sẽ có thêm các biện pháp tiền tệ và tài khóa được thực hiện trên toàn cầu. Có những lo ngại về giá trị của các thị trường chứng khoán, nợ công, do đó tình hình kinh tế vĩ mô vẫn rất có lợi cho vàng.
Thời gian qua, thị trường vàng đã cho thấy bản chất kép, khi nhu cầu vật chất giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong khi đó, nhu cầu đầu tư đạt mức cao lịch sử.
Trong công bố Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng năm 2020, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã cho thấy, nhu cầu vật chất đối với kim loại quý này giảm trên diện rộng. Theo đó, tổng nhu cầu trong quý 4/2020 đạt 783,4 tấn, giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2019, quý yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tính cả năm, tổng nhu cầu vàng vật chất đạt 3.759,6 tấn, giảm 14% so với năm trước và là năm đầu tiên dưới 4.000 tấn kể từ năm 2009. Nguyên nhân được cho là do những ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, trước nhu cầu vàng vật chất ảm đạm, thị trường lại chứng kiến nhu cầu chưa từng có của giới đầu tư. Tỷ lệ nắm giữ vàng trong các quỹ ETF toàn cầu đã tăng 877,1 tấn trong năm 2020, đạt mức kỷ lục vào cuối năm là 3.751,5 tấn, tính thanh khoản tốt.
Theo nhận định của Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư tại WGC - Juan Carlos Artigas, thị trường vàng vẫn lành mạnh, ngay cả khi Covid-19 đã tạo ra cơn gió lớn cho thị trường vật chất. Ông cho rằng, trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư vàng sẽ tiếp tục thống trị thị trường và lãi suất thấp sẽ tiếp tục duy trì, điều đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vàng.
Fed vẫn lo ngại về triển vọng phục hồi
Trong báo cáo sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày (26-27/1), cùng với việc khẳng định sẽ duy trì các chính sách có tính chất trợ lực mạnh cho đến khi Mỹ hồi phục hoàn toàn, Fed cho rằng, tốc độ phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới đang chậm lại một cách đáng lo ngại.
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định, nhiều ngành lớn như nhà ở, dịch vụ tài chính đã thích nghi với đại dịch bằng các chiến lược và công nghệ mới. Tuy nhiên, nền kinh tế này cũng để mất nhiều việc làm trong tháng 12, tốc độ phục hồi của việc làm và hoạt động trong nền kinh tế giảm trong những tháng gần đây. Một lượng lớn người lao động có thể vẫn thất nghiệp cho đến khi cuộc khủng hoảng y tế dịu xuống. Ông Powell một lần nữa khẳng định, các nỗ lực cứu trợ của Fed sẽ không chấm dứt cho đến khi những người này được đi làm trở lại.
Những bình luận trên đánh dấu sự thay đổi trong ngôn từ phát ngôn của cơ quan quyền lực nhất trong nền kinh tế Mỹ. Cơ quan này vừa cân nhắc đến tiềm năng kích thích nền kinh tế bằng vaccine và miễn dịch trong cộng đồng, vừa thừa nhận chặng đường dài mà Mỹ phải đối mặt khi muốn quay về trạng thái toàn dụng (full employment). "Rủi ro vẫn còn trong ngắn hạn", khi chương trình tiêm chủng của Mỹ tăng tốc và các chủng mới có tính lây lan nhanh xuất hiện, Chủ tịch Powell nhận định. "Tuy nhiên, có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm", ông kỳ vọng.