Giá vàng hôm nay 30/7: Thế giới tiếp tục tăng nhanh
Sáng 30/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.766 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với cùng giờ sáng hôm qua (29/7).
Ở thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 65,8-66,82 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Vàng SJC tại Doji niêm yết giá vàng ở mức 64,9-65,9 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên liền trước. Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 65,7-66,7 triệu đồng/lượng, tương đương so với chốt phiên gần nhất.
Giá vàng hôm nay 30/7: Giá vàng thế giới được 'cởi trói', SJC 'cật lực' leo dốc, chuyên gia dự đoán vàng sẽ tăng - không sớm thì muộn. (Nguồn: Kitco News) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 30/7
Theo ghi nhận của TG&VN, đến 20h ngày 30/7, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.757,3 - 1.758,3 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đã tăng mạnh trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thận trọng trong việc tăng lãi suất để chống lạm phát và Mỹ công bố dữ liệu tăng trưởng trong quý II/2022.
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2022 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm.
Tại thị trường châu Á, trong phiên giao dịch chiều 29/7, giá vàng đang hướng đến tuần khởi sắc nhất trong gần 5 tháng qua, khi đồng USD nới rộng đà giảm sau các số liệu kinh tế gây lo ngại của Mỹ.
Vào lúc 15h (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.766,08 USD/ounce. Tính trong cả tuần này, đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 2,1%, mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,5% lên 1.778,50 USD/ounce.
Dù trải qua một tuần khởi sắc, nhưng vàng vẫn đang hướng đến tháng giảm giá thứ tư liên tiếp, chuỗi suy giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2020. Đồng USD đã dao động quanh mức cao nhất 20 năm qua trong phần lớn thời gian của tháng 7/2022, từ đó làm giảm nhu cầu với vàng từ những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng nâng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn để kiềm chế lạm phát, bên cạnh việc lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ ở mức cao trước đó trong tháng 7/2022.
Trong nước, đến 17h chiều 19/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,70 – 66,70 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với chốt phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày. Nếu so sánh với phiên hôm qua (28/7), giá vàng tăng 700.000 đồng/lượng ở mỗi chiều. Chênh lệch mua bán là 1 triệu đồng/lượng.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên cuối ngày hôm qua (ngày 29/7):
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,70 – 66,70 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 64,90 – 65,90 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,70 – 66,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,70 – 66,70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,02 – 65,98 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,16 – 52,91 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,60 – 52,70 triệu đồng/lượng.
Vàng sẽ không 'giậm chân tại chỗ' trong nửa cuối năm 2022
Các thị trường tài chính, bao gồm cả vàng, đã "thở phào nhẹ nhõm" sau khi Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Theo ông George Milling Stanley, chiến lược gia thị trường tại State Street Global Advisors, việc vàng giảm xuống dưới 1.700 USD gần đây là một động thái phóng đại và việc nó quay trở lại trên 1.750 USD là sự thể hiện gần hơn đến giá trị hợp lý.
Bên cạnh đó, sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ giá kim loại quý, đặc biệt là khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông George Milling Stanley nói: “Tôi rất vui vì giá vàng đã có thể giữ mức hỗ trợ quanh 1.700 USD/ounce và kỳ vọng rằng thị trường kim loại quý sẽ có thể xây dựng theo động thái mà chúng ta đang thấy”.
Vị chuyên gia này nói thêm rằng, không ngạc nhiên khi giá vàng tăng 2% một ngày sau quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Fed có thể đã "diều hâu" hơn nhưng thay vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng, việc tăng lãi suất tích cực hơn nữa sẽ phụ thuộc vào dữ liệu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiến lược gia Milling Stanley cho biết, các thị trường hiện đang tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa suy thoái hơn là việc Fed tăng lãi suất, điều này có thể làm suy yếu đồng USD và lợi suất trái phiếu giới hạn. Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Fed sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn.
Ông nói: “Khi nỗi sợ hãi về suy thoái của mọi người lại nổi lên, tôi nghĩ rằng, vàng sẽ phát triển tốt khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Theo quan điểm của tôi, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục chậm lại. Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trước khi nó trở nên tốt hơn và đó là điều tích cực đối với vàng".
Chiến lược gia Milling Stanley đang dự đoán, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.800-2.000 USD/ounce trong năm nay và vẫn có khả năng kim loại quý có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce.
Vị chuyên gia này khẳng định: “Với số lượng ngày càng tăng của các bất ổn kinh tế vĩ mô lớn, các bất ổn địa chính trị lớn, thật khó để hiểu tại sao vàng 'giậm chân tại chỗ' trong suốt thời gian còn lại của năm. Tôi đang kỳ vọng giá sẽ tăng, không sớm thì muộn".