📞

Giá vàng hôm nay 3/11: Giá vàng nối đà tăng, 'tay to' mua kỷ lục, thị trường phấn khởi, sẽ tiếp tục đi lên?

Linh Chi 06:06 | 03/11/2022
Giá vàng hôm nay 3/11 tiếp nối đà tăng giữa bối cảnh đồng USD suy yếu, giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này bớt đắt đỏ hơn. Các ngân hàng trung ương mua vàng đạt kỷ lục trong quý III, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY - TỶ GIÁ HÔM NAY 4/11/2022


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 3/11

Giá vàng thế giới tiếp đà tăng trong phiên giao dịch chiều 2/11, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và giới đầu tư đang chờ đợi quyết sách về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm định hướng về triển vọng tăng lãi suất trong tương lai.

Ghi nhận của TG&VN lúc 19h ngày 2/11, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.655,9 - 1.656,9 USD/ounce, tăng 7,8 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Tại thị trường châu Á, giá vàng cũng tiếp đà tăng. Chiều phiên 2/11, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.650,49 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3%, lên 1.655,30 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD - thước đo diễn biến của đồng bạc xanh với một giỏ các đồng tiền chủ chốt, hạ 0,3%, qua đó, giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như vàng bớt đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Giá vàng hôm nay 3/11: Giá vàng nối đà tăng, 'tay to' mua kỷ lục, thị trường phấn khởi, sẽ tiếp tục đi lên? (Nguồn: Forbes)

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 2/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,00 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,10 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,10 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,12 – 66,98 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,97 – 52,77 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,50 – 52,06 triệu đồng/lượng.

Vàng đang chờ Fed

Nhà phân tích Matt Simpson của công ty dịch vụ tài chính City Index (Vương quốc Anh): “Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của đồng USD và Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, thì sẽ không quá khó để vàng có thể quay trở lại mức 1,670 USD-1,680 USD/ounce trong các phiên tới”.

Fed dự kiến đưa ra tuyên bố chính sách của mình lúc 1800 GMT (1 giờ sáng 3/11 giờ Việt Nam), tiếp đó là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Mặc dù thị trường chủ yếu nghiêng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp lần này, song các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm manh mối về khả năng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của họ.

Đối với cuộc họp tháng 12 tới, các nhà giao dịch đang chia rẽ về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm.

Dữ liệu hôm 1/11 cho thấy tỷ lệ việc làm đang cần tuyển dụng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 9/2022, cho thấy đà phục hồi tích cực trên thị trường lao động và việc tăng lãi suất nhanh chóng vẫn chưa tác động mạnh đến nền kinh tế thực của Mỹ.

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.

Ông Han Tan, chuyên gia phân tích thị trường trưởng tại Exinity nhận định: "Nếu việc Fed điều chỉnh lập trường sang ôn hòa hơn được xác nhận trong tuần này, giá vàng giao ngay có thể lên chạm 1.700 USD/ounce trong ngắn hạn".

Ngân hàng trung ương mua vàng kỷ lục

Các ngân hàng trung ương mua vàng đạt kỷ lục trong quý III. Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tổng cộng gần 400 tấn đã được các ngân hàng trung ương mua vào, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương đã mua 673 tấn, nhiều hơn bất kỳ tổng số hàng năm nào khác kể từ 1967 - khi đồng USD vẫn được hỗ trợ bởi vàng. Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Qatar nổi lên là những nước mua lớn nhất được biết đến.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 31 tấn vàng trong quý III, giúp tăng lượng vàng dự trữ của nước này lên 489 tấn. Uzbekistan đã là quốc gia mua ổn định và đã bổ sung 26 tấn vàng vào dự trữ của mình trong quý vừa qua. Ngân hàng Trung ương Qatar cũng đã mua 15 tấn vàng trong tháng bảy, đây là thương vụ mua lại hàng tháng lớn nhất được ghi nhận.

Nước bán ròng nhiều nhất trong quý 3 là Kazakhstan, khi giảm 2 tấn vàng dự trữ. Lượng mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương trái ngược với những gì đã và đang diễn ra với giá vàng.

Kim loại quý này đã giảm trong 7 tháng liên tiếp trước sự thắt chặt tích cực của Fed đang thúc đẩy đồng đô la và lợi tức của Kho bạc Mỹ.

Theo WGC, nhu cầu vàng của Ấn Độ đã đạt mức trước đại dịch, với 191,7 tấn trong quý III/2022, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nhu cầu vàng trang sức tại Ấn Độ trong quý III tăng 17%, lên 146,2 tấn, so với 125,1 tấn của cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng nhu cầu vàng tái chế giảm 23%, từ 20,7 tấn xuống 16 tấn.

Theo Giám đốc điều hành WGC Ấn Độ Somasundaram PR, nhu cầu phục hồi về mức trước đại dịch chủ yếu nhờ khu vực thành thị, đặc biệt là các khu vực phía Nam, khi hoạt động kinh tế mạnh, với nhu cầu tăng 17%.

Ông Somasundaram nhận định, đầu tư lẻ có thể tiếp tục hưởng lợi nhờ nhu cầu với các tài sản an toàn khi lãi suất tăng và đồng rupee giảm.

Triển vọng từ nay đến hết năm là lạc quan, với nhu cầu cho lễ cưới và lễ hội Diwali trong quý IV, dù không thể phá kỷ lục trong quý IV/2021. Nhu cầu vàng cả năm nay của Ấn Độ ước khoảng 750-800 tấn, bằng mức của năm ngoái.

(theo Reuters, Kitco News)