Giá vàng đã liên tục tăng phi mã trong thời gian qua. (Nguồn: Reuters) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 56,10 triệu đồng/lượng - 57,30 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,55 triệu đồng/lượng - 57,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Trên thế giới, giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.959 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.972 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,1 triệu đồng so với giá vàng trong nước.
Trong ngày hôm qua (30/7), giá vàng thế giới đã có một phen "ngã ngựa" khi trên đường phá ngưỡng 2.000 USD/ounce. Trong phiên giao dịch buổi chiều, giá vàng thế giới đã được giao dịch quanh mức 1.750 USD/ounce, giảm mạnh so với mức giá 1.970,9 USD/ounce đóng cửa phiên giao dịch vào trưa cùng ngày.
Giới đầu tư vàng quốc tế cũng nhìn nhận, với xu hướng giảm giá xuất hiện chớp nhoáng trong ngày 30/7, nhiều khả năng giá vàng đang có xu hướng giảm do nghe ngóng thông tin từ kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Sau cuộc họp tháng 7, Fed đã không thay đổi chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định rằng, sẽ duy trì lập trường chính sách này tới lúc nền kinh tế phục hồi, điều này khiến giá của kim loại quý tiếp tục ổn định ở vùng đỉnh cao.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters cho rằng, giá vàng giao ngay có thể rơi xuống mức hỗ trợ 1943 USD/ounce, nếu không thể vượt mức kháng cự 1982 USD/ounce.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, số ca mắc mới Covid-19 gia tăng đột biến tại Mỹ thời gian gần đây đã gây áp lực cho các hoạt động kinh tế của quốc gia này và báo hiệu cho một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố GDP của Mỹ trong quý II/2020 sụt giảm gần 33%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1947 do tiêu dùng giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Trong quý I/2020, kinh tế Mỹ giảm 5%.
Trước đó, Fed đã bơm hàng nghìn tỷ USD để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính USD vốn bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Với xu hướng đó dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần, giới chuyên gia khẳng định, cách tốt nhất để không đi ngược với xu thế là đầu tư vào kim loại quý.
Theo trang Forbes, đây là đợt tăng giá liên tiếp trong nhiều ngày dài nhất lịch sử. Giá vàng liên tiếp phá xô đổ các kỉ lục trong những tháng gần đây. Điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 2012.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 30%. Nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào vàng và các kim loại quý khác khi chỉ số đồng USD liên tục suy yếu.
Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs, mức nợ hiện tại có thể tiềm ẩn rủi ro lớn về lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới. Đó là là nguyên nhân khiến ngân hàng này dự đoán, giá vàng có thể tăng lên mức 2.300 USD/ounce và giá bạc đạt 30 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Trên Kitco, đa số các chuyên gia đều lạc quan trước triển vọng của giá vàng. Giới đầu tư đánh giá, giá vàng đang trong đà tăng mạnh và có thể đạt 3.000 USD/ounce trong năm nay. Đợt tăng giá vàng vừa qua mới chỉ là bắt đầu khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục bơm tiền ra thị trường.
Thậm chí, Giám đốc công ty Martin Place Securities Barry Dawes cho rằng, thị trường vàng đang rất mạnh và giá vàng có thể lên tới 3.500 USD trong vòng 2 năm tới.
Chuyên gia Garth Bregman thì khẳng định, giá vàng sẽ giữ ổn định ở ngưỡng 2.000 USD/ounce trước khi tiếp tục tăng mạnh. "Chúng tôi chưa nhìn thấy yếu tố nào trong ngắn hạn có thể ngăn cản đà tăng của giá vàng. Thực tế, nhiều yếu tố đã và đang đẩy giá vàng lên cao", ông Bregman nói.