BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 31/7 và TỶ GIÁ HÔM NAY 31/7
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 31/7/2024
Giá vàng thế giới trở lại đà tăng ngay trong các phiên giao dịch đầu tuần.
Các báo cáo công bố gần đây cho thấy lạm phát của kinh tế Mỹ đang trong tiến trình giảm bền vững về mốc mục tiêu 2%, làm tăng sự lạc quan trên thị trường vàng. Giá vàng tăng còn nhờ căng thẳng địa chính trị leo thang, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 và khả năng chi phối bất ngờ của các nhà đầu tư phương Tây.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, vào lúc 18h25 ngày 30/7, giá vàng thế giới giao dịch trên sàn điện tử Kitco ở mức 2.392,20 USD/ounce, tăng 7,5 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Vàng đã tăng 3% trong tháng 7 sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.483,6 USD vào ngày 17/7 do sự lạc quan ngày càng lớn về việc Fed đặt nền móng cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9, ngay tại cuộc họp chính sách 2 ngày (30-31/7). Không chỉ cuộc xung đột Nga-Ukraine, thị trường kim loại quý những ngày này tiếp tục nhận được hỗ trợ khi rủi ro địa chính trị leo thang mạnh ở Trung Đông sau vụ tấn công tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Tin tức mới trên thị trường là nhu cầu vàng trang sức giảm mạnh. Tuy nhiên, trong môi trường hiện tại, giá vàng thế giới vẫn có thể duy trì xu hướng tăng giá, bởi xuất hiện yếu tố mới, được dự đoán sẽ chi phối thị trường tương lai.
Về nhu cầu vật chất, mức tiêu thụ vàng ở Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đã giảm 5,6% trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu vàng trang sức giảm 26,7% trong bối cảnh giá cao, nhưng đổi lại, nhu cầu mua vàng miếng lại tăng tới 46%. Trên thực tế, không chỉ có thị trường Trung Quốc, các nhà phân tích của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đang hướng sự chú ý vào khả năng chi phối thị trường vàng tương lai của các nhà đầu tư phương Tây.
Giá vàng hôm nay 31/7/2024: Giá vàng tăng nhanh trở lại, nhu cầu vàng trang sức giảm mạnh, thận trọng với khả năng chi phối từ phương Tây. (Nguồn: AP) |
Giá vàng trong nước giảm ở tất cả các thương hiệu, trong khi vàng thế giới tiếp tục tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, giá vàng miếng SJC giảm nửa triệu đồng, giao dịch ở mức 79 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn giảm nhẹ xuống mức 77 triệu đồng/lượng.
Sau khi giảm 500.000 đồng/lượng ngay từ phiên sáng 30/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra ở mức 77 - 79 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC giao dịch tại DOJI là 77 - 79 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng ở cả 2 chiều mua và bán.
Tại Công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 giao dịch tại 75,55 - 77,00 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 50.000 đồng so chốt phiên trước đó. Tập đoàn PNJ giao dịch ở mức 75,6 - 77,02 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 100.000 đồng và 70.000 đồng so hôm trước. Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 75,83 - 77,03 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Các nhà đầu tư phương Tây chuẩn bị tăng phân bổ vào vàng
Theo nghiên cứu mới nhất từ WGC, thị trường kim loại màu vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản tài chính toàn cầu, khi các trụ cột sức mạnh truyền thống trong thị trường suy yếu.
Theo công bố của WGC về xu hướng nhu cầu toàn cầu, giá vàng cao kỷ lục trong quý II/2024 đã tác động đáng kể đến nhu cầu trang sức toàn cầu, giảm 19% so với quý 2/2023. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 6, tiêu thụ vàng trang sức giảm xuống còn 391 tấn, mức thấp nhất trong 4 năm.
Tuy nhiên, tổng nhu cầu vàng toàn cầu lại cho thấy một triển vọng khá mâu thuẫn. Trong khi nhu cầu vàng vật chất nếu không bao gồm thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) đã giảm xuống còn 929 tấn trong quý trước và giảm 6% so với năm ngoái. Nhưng khi tính cả thị trường OTC, nhu cầu vàng lại tăng tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn - mức cao nhất trong quý II/2024, trong chuỗi dữ liệu của WGC, tính từ năm 2000.
Theo phân tích của Joseph Cavatoni, Chiến lược gia thị trường Bắc Mỹ tại WGC, đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhu cầu đang nổi lên trên thị trường vàng, với nhu cầu đầu tư của phương Tây bắt đầu tăng, trong khi nhu cầu trang sức giảm sút. Theo đó, “Đầu tư OTC là 329 tấn trở thành một thành phần quan trọng trong tổng nhu cầu vàng của quý II/2024. Cùng với việc các ngân hàng trung ương liên tục mua vào, điều này đã giúp đẩy giá lên một loạt mức cao kỷ lục trong quý vừa qua".
Chuyên gia Cavatoni cung cấp thêm thông tin, cho biết, nhu cầu ETF vàng của châu Âu đã dẫn đầu thị trường trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro trước sự bất ổn địa chính trị và lãi suất thấp hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất trước hành động của Fed.
Theo Chiến lược gia Cavatoni, châu Âu có thể là một trường hợp thử nghiệm mạnh mẽ đối với thị trường Bắc Mỹ vì Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Ông cũng đề cập rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ tạo ra một số biến động trên thị trường. "Tất cả diễn biến thị trường đang cho thấy, các nhà đầu tư phương Tây đang chuẩn bị tăng phân bổ của họ vào vàng", ông nói. Bằng chứng là vị thế của các nhà đầu cơ trên thị trường tương lai Mỹ có thể đã chỉ ra điều đó - vị thế mua ròng do họ nắm giữ trong quý II vừa qua đã tăng trở lại ấn tượng, đạt mức chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020 là 575 tấn.
"Nhu cầu vàng trên các thị trường toàn cầu được cho là một yếu tố tiếp tục thúc đẩy đầu tư OTC", theo báo cáo cập nhật của WGC. Ngoài ra, nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư phương Tây xuất phát từ mối lo ngại về gánh nặng nợ của kinh tế Mỹ, rủi ro địa chính trị và sức hấp dẫn từ mức giá tăng mạnh của vàng”.