Giá vàng hôm nay 4/3 giữ xu hướng tăng do căng thẳng Nga-Ukraine vẫn khiến giới đầu tư lo ngại và tìm đến nơi trú ẩn như vàng. (Nguồn: Miningnewspro) |
Giá vàng hôm nay 4/3
Thị trường vàng trong nước tăng giảm trái chiều với biên độ rộng, trong phiên giao dịch chiều qua (3/3). Giá vàng SJC đã tăng giảm từ 50.000 đồng/lượng đến 650.000 đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh. Trong đó, biến động mạnh nhất diễn ra tại Tập đoàn Doji, khi tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, nhưng chiều mua tăng vọt 650.000 đồng/lượng.
Hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng mạnh ở cả hai chiều mua và bán lần lượt tăng 270.000 đồng/lượng và 210.000 đồng/lượng so với phiên mở cửa buổi sáng.
Trong khi đó, cả Tập đoàn PNJ và Phú Quý đều điều chỉnh giảm, thậm chí giá vàng SJC tại PNJ bị điều chỉnh giảm rất mạnh, tới 350.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán. Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiến mở cửa ngày 3/3.
Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh nhẹ nhất, khi chỉ tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Giới chuyên gia trong nước nhận định, giá vàng tăng mạnh những ngày gần đây chỉ là đà tăng nhất thời khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đánh vào tâm lý. Vàng vốn được coi là “tài sản trú ẩn an toàn" nên đà tăng của giá vàng thường không kéo dài mà sẽ quay đầu giảm khi tình hình địa chính trị hạ nhiệt.
Nhận định về giá vàng trong nước, giới phân tích cho rằng, năm 2022 có thể chịu tác động bởi dịch bệnh, lạm phát nhưng không quá nhiều. Giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao nhưng khó có đột biến. Bởi ở Việt Nam, việc mua vàng được coi như một hình thức tích trữ tài sản, để dành chứ chưa hẳn gọi là đầu tư.
Tin giá vàng mới nhất: Giá vàng SJC tiếp tục tăng cao theo vàng thế giới Phiên giao dịch mở cửa sáng 4/3, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC tại 66,80 - 67,55 triệu đồng/lượng, cùng tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 3/3. Chênh lệch giá mua và bán duy trì ở mức 750.000 đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở 65,85 – 67,35 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá so với cuối giờ chiều qua. Chênh lệch giá mua và bán tăng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco là 1.940,9 USD/ounce, tăng 12,9 USD so với chốt phiên chiều 3/3. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 22.980 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,73 triệu đồng/lượng, thấp hơn 13,82 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm. |
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 3/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,60 – 67,37 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 65,85 – 67,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,30 – 67,20 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,25 – 67,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,35 – 67,25 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,72 – 55,57 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,25 – 55,45 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch chiều qua (3/3) do căng thẳng Nga-Ukraine vẫn khiến giới đầu tư lo ngại và tìm đến nơi trú ẩn như vàng. Ghi nhận của TG&VN vào lúc 2h00 ngày 4/3, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn điện tử Kitco đang củng cố xu hướng tăng giá bằng một phiên tăng 5,3 USD so với phiên chốt phiên liền trước, giao dịch tại 1.935 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 11,20 USD ở mức 1.933,70 USD/ounce.
Chỉ số USDX cao hơn một lần nữa vào ngày hôm nay. Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện có lợi suất 1,854%.
Khẩu vị rủi ro của giới đầu tư vẫn bị hạn chế bởi tình hình địa chính trị Nga-Ukraine còn rất căng thẳng. Sự lo lắng về rủi ro vẫn tăng lên, giá dầu thô và ngũ cốc đang tăng vọt, điều đó gây ra lo ngại về lạm phát. Trong một báo cáo đến từ khu vực đồng Euro, chỉ số giá sản xuất tháng 1 của khu vực này đã tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do giá năng lượng tăng.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. Vàng được coi là khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng sự gia tăng của lãi suất Mỹ sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại Tiger Brokers, Australia, cho biết đây là những yếu tố trái chiều, khi khả năng lãi suất tăng rõ ràng gây áp lực lên vàng, nhưng thị trường đang bỏ qua nó vì "điểm nóng" địa chính trị Nga-Ukraine.
Dự báo giá vàng?
Trước những biến động về cả địa chính trị và kinh tế như hiện nay, dòng tiền trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ hướng nhiều hơn tới tải sản trú ẩn an toàn. Điều này có thể khiến giá vàng tăng trong trung và ngắn hạn. Tuy nhiên, khó xảy ra cuộc "bùng nổ" về giá vàng trong năm 2022 và chỉ mang tính chất phòng thủ.
Dự báo xu hướng giá vàng, trong báo cáo của mình, các chuyên gia của VNDirec cho rằng, đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi Fed đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Trong năm, dù được kỳ vọng sẽ vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng theo các chuyên gia, đây không phải là kênh đầu tư tốt mà chỉ nên xem là nơi tích trữ tài sản và trú ẩn trước các đợt biến động lớn của thị trường.
Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực sau đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.
Joni Teves, Chiến lược gia trong lĩnh vực kim loại quý tại UBS, nhận định, sức mạnh gần đây của thị trường vàng sẽ chỉ "tồn tại trong thời gian ngắn" và thị trường có khả năng tập trung trở lại vào các yếu tố vĩ mô như việc Fed được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất trong năm nay.
Theo đó, dù thị trường ban đầu dự đoán vấn đề Ukraine sẽ làm hạ nhiệt tham vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, do những lo ngại về rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu, song quan điểm đó đã được xoa dịu bằng việc các nước công bố lệnh trừng phạt không liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Giá trị của vàng về mặt lý thuyết được liên kết với lãi suất thực (được tính bằng lãi suất hiện hành trừ đi lạm phát), do thu nhập tăng từ các tài sản khác như trái phiếu sẽ làm giảm sức hấp dẫn của một kim loại vốn không tạo ra thu nhập. Chính vì vậy, triển vọng giá vàng thường có tương quan nghịch với lãi suất thực và trong bối cảnh hiện nay, lãi suất thực có lẽ sẽ tăng khi Fed và các ngân hàng trung ương khác chủ động thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát tăng cao.
Sự gián đoạn vận chuyển do hậu quả của đại dịch Covid-19, giá dầu tăng vọt do bất ổn địa chính trị, cam kết tăng lương do thiếu lao động... - tất cả những yếu tố này đã khiến giá hàng hóa tăng vọt.
Chuyên gia phân tích thị trường tài chính Itsuo Toshima tại Toshima & Associates, nhận định “lãi suất là động lực bền vững” của giá vàng hơn là các yếu tố địa chính trị. Chuyên gia này dự đoán giá kim loại quý này có thể giảm xuống ngưỡng khoảng 1.700 USD/ounce vào cuối năm nay. "Các tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi Fed chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0".
| Xung đột Nga-Ukraine: Nạn nhân đầu tiên của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây Trong 'chảo lửa' Nga-Ukraine và những lệnh trừng phạt, trả đũa qua lại giữa Nga với phương Tây, Công ty Nord Stream 2 trở thành ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Tại sao 'đòn kinh tế' không ngăn được quyết đoán của Tổng thống Putin? Nhà kinh tế học tên tuổi của Harvard - Jason Furman và cũng từng là Cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, ... |