📞

Giá vàng hôm nay 4/6: Vàng thế giới 'bốc hơi mạnh', lạm phát chưa là gì, đây mới là dấu hiệu quyết định?

Minh Anh 05:12 | 04/06/2021
Rời xa ngưỡng 1.900 USD, giá vàng thế giới giảm luôn một mạch gần 40 USD trong vài giờ cuối cùng của ngày hôm qua. Giá vàng SJC cũng quay đầu giảm mạnh vào cuối phiên chiều qua, trong khoảng 200.000 - 370.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống kinh doanh.
Giá vàng hôm nay 4/6: Lạm phát chưa là gì, đây mới là dấu hiệu quan trọng đối với giá vàng?

Cập nhật giá vàng hôm nay 4/6

Trên thị trường thế giới, trong ngày hôm nay đồng USD phục hồi nhẹ, lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm kể từ đầu tuần, trong khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng chờ đợi nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của nước Mỹ sẽ được công bố cuối tuần này để có cái nhìn rõ hơn về chính sách tiền tệ.

Đó là những tác động cơ bản khiến giá vàng giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch chiều thứ Năm (3/6). Chỉ ít giờ sau đó, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco giảm tiếp 37 USD (1,96%) xuống giao dịch tại 1.871,8 USD/ounce, ghi nhận của TG&VN lúc 0h05 ngày 4/6 (giờ Việt Nam).

Cập nhật giá vàng hôm nay 4/6, thế giới tiếp tục giảm nhẹ, vàng SJC giảm thêm 400.000 đồng/lượng

Phiên mở cửa sáng nay, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng tại 56,35 - 57,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, so với thời điểm chốt phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua 650.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giảm mạnh 310.000 đồng/lượng ở chiều mua cà 280.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,47 - 56,97 triệu đồng/lượng. Các sản phẩm khác của Bảo Tín cũng được điều chỉnh giảm mạnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long niêm yết ở 52,78 - 53,38 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,15 - 52,95 triệu đồng/lượng.

Vào 9h25 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới sau nhiều dao động tăng giảm nhẹ, giá vàng niêm yết trên Kitco là 1.862.7 USD/ounce, giảm tiếp 9,1 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.140 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,17 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,83 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.

Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng quay đầu giảm mạnh vào cuối phiên chiều qua, trong khoảng 200.000 - 370.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh. Cụ thể, Công ty VBĐQ Sài Gòn, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, giá vàng giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 56,75 - 57,35 đồng/lượng

Cùng thời điểm, tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu vẫn điều chỉnh giá vàng SJC tiếp tục tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giá không đổi ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,78 - 57,25 triệu đồng/lượng. Các sản phẩm khác của Bảo Tín cũng được điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long niêm yết ở 53,16 - 53,76 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,45 - 53,55 triệu đồng/lượng.

Thời điểm quyết định hướng đi của vàng

Giá vàng đi ngang trong ngắn hạn khi sự chú ý của thị trường đều được đổ dồn về theo dõi động thái tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đối với các chính sách tiền tệ của nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, diễn biến sắp tới của giá vàng sẽ được quyết định bởi thông tin về việc làm được công bố cuối tuần này và và lạm phát được đưa ra vào tuần sau, định hình rõ hơn hướng diễn biến của các thị trường tài sản, trong đó có cả vàng và trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ.

Quản lý cấp cao tại Altavest - Michael Armbruster cho rằng, "thị trường đang cố gắng để hiểu xem liệu lạm phát có thực sự diễn ra trong ngắn hạn như Fed nói hay không".

Sự phục hồi kinh tế của Mỹ đã tăng tốc trong những tuần gần đây ngay cả khi chuỗi cung ứng đối mặt với một loạt vấn đề, khó khăn trong việc tuyển dụng và giá cả tăng cao trên cả nước, các quan chức Fed mới đây cho biết. Họ cũng đã nhiều lần cho biết về kỳ vọng áp lực giá chỉ là tạm thời và chính sách kích thích tiền tệ sẽ duy trì trong một thời gian.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và tăng năng suất do dân số già hóa, lực lượng lao động giảm.

Vì thế, nếu Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, cộng thêm với chính sách tài khoá mới - được Quốc hội thông qua, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn so với dự tính của các nhà chức trách, khiến chi tiêu vượt quá khả năng cung cấp hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc chính phủ hỗ trợ người dân quá mức sẽ làm giảm động lực làm việc và gây ra tình trạng thiếu lao động. buộc các công ty phải tăng lương. Cán cân cung cầu sẽ càng trở nên mất cân bằng khi sản xuất không theo kịp nhu cầu, giá cả hàng hoá được dự đoán sẽ tăng ở mức khó kiểm soát.Trong bối cảnh đó, các kim loại quý như vàng sẽ được hưởng lợi và sẽ tăng mạnh trong nửa cuối của năm nay, nhờ vai trò là nơi trú ẩn an toàn.

Nhưng nếu thị trường bắt đầu tin rằng, lạm phát cao chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng tăng vọt và giá vàng sẽ chịu thêm nhiều áp lực suy giảm mới. Bởi vậy, giá vàng sắp đến thời điểm quyết định hướng đi quan trọng, nhận định của chuyên gia Armbruster.

Yếu tố có tính quyết định

Trong khi diễn biến thị trường vàng thế giới bị tác động đáng kể bởi những tin tức về lạm phát thì Bill Baruch, Chủ tịch Quỹ Blue Line Futures lại không coi đây là yếu tố có tính quyết định đối với giá vàng. Đối với vị chuyên gia này, có những diễn biến đáng chú ý hơn nhiều.

Theo nhận định bất ngờ của Chủ tịch Quỹ Blue Line Futures, giá hàng hóa, ô tô và đặc biệt là xe vận tải đã qua sử dụng đã tăng đột biến. Chia sẻ đồng quan điểm với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Bill Baruch nói Fed đã đúng về dự báo lạm phát.

"Lạm phát thực sự không phải là một mối quan tâm đối với tôi", Bill Baruch chia sẻ. Đây là vấn đề, vấn đề lạm phát hiện nay ở đâu, chúng ta thấy nó. Nhìn vào giá gỗ xẻ hay xem xét tình trạng thiếu chip. Tình hình liên quan đến chuỗi cung ứng”, Baruch nói. Khi phân tích các chỉ số của Fed, theo Bill Baruch, không thực sự nhìn thấy lạm phát và chính điều đó Fed có lý do để kiên nhẫn".

Chỉ ít ngày trước, quan chức Fed Lael Brainard nêu rõ quan điểm rằng, sự chênh lệnh giữa cung và cầu, khiến giá tiêu dùng tăng lên và hoạt động tuyển dụng bị hạn chế, có thể chỉ là tạm thời, đồng thời thúc giục Fed tiếp tục duy trì ổn định chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Theo nhận định của chuyên gia Brainard, số liệu về lạm phát và thất nghiệp hiện nay dường như phản ánh sự chênh lệnh tạm thời giữa cung và cầu, mà sẽ mất dần theo thời gian, khi nhu cầu tăng trở lại bình thường, việc mở cửa trở lại hoàn toàn và nguồn cung thích ứng với mức bình thường mới sau đại dịch.

(theo Kitco, Reuters)