BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 6/12 và TỶ GIÁ HÔM NAY 6/12
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 6/12/2023
Giá vàng trong nước lần thứ ba trở lại ngưỡng kỷ lục chưa từng có. Chiều 5/12, giá vàng miếng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn tăng mạnh thêm 500.000 đồng/lượng, giao dịch tại 73,2 - 74,4 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Trước khi đóng cửa giao dịch ngày 5/12, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,2 triệu đồng, bán ra 74,18 triệu đồng.
Tuy nhiên, giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức 9999 không có được lực bật tăng mạnh trở lại như vàng miếng, đi xuống theo đà kéo của giá vàng thế giới, giảm thêm 50.000 đồng mỗi lượng. Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại 61,15 - 62,35 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 61,15 triệu đồng, bán ra 62,15 triệu đồng.
Giá vàng thế giới không còn đà tăng mạnh như ngày đầu tuần, dao động nhẹ, rời đỉnh kỷ lục mọi thời đại, đã lập vào ngày 4/12. Tuy nhiên, dù giảm nhưng mức giá giao dịch hiện tại vẫn đang neo ở mức cao.
Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất, đồng USD suy yếu và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn. Nhiều chuyên gia cho rằng, có cơ sở để giá vàng tiếp tục lập thêm kỷ lục trong năm 2024.
Ghi nhận của TG&VN tại 21g00 ngày 5/12 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tại 2.030,50 USD/ounce, tăng mạnh 0,4 USD/ounce so với phiên giao dịch liền trước.
Kỳ vọng về sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đang được phản ánh vào thị trường, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài giảm xuống. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho vàng với tư cách một tài sản không mang lãi suất. Giới đầu tư đang dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024 và điều đó có thể đưa giá vàng vượt qua cả kỷ lục mới được thiết lập.
Trong 10 năm qua, Việt Nam không nhập khẩu thêm vàng và vàng SJC cũng không được sản xuất thêm. Điều này khiến nguồn cung trở nên khan hiếm và giá vàng SJC trong nước đang cách biệt tới 12 - 14 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
Giá vàng hôm nay 6/12/2023: Giá vàng vẫn tăng mạnh, giá vàng SJC đột ngột giảm rồi lại vọt lên, có thể lập kỷ lục mới vào năm 2024. (Nguồn: Kitcp News) |
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 5/12:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 73,20 – 74,20 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 72,80 – 74,00 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 73,10 – 74,20 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn PNJ niêm yết tại: 73,20 – 74,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 73,20 – 74,18 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 61,52 – 62,68 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 61,25 – 62,45 triệu đồng/lượng.
Khi Fed "nhấn nút hoảng loạn", giá vàng lấy lại đà tăng
Các nhà phân tích nhận định, giá vàng thế giới có thể chinh phục đỉnh mới vào năm 2024 và có thể duy trì trên mức 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, đồng USD có thể yếu hơn và khả năng Fed giảm lãi suất.
Chuyên gia Ronald-Peter Stoeferle, đối tác quản lý của Incrementum AG, dự đoán sẽ không có cú hạ cánh mềm và nền kinh tế số 1 thế giới sẽ bước vào thời kỳ suy thoái chủ yếu do kết thúc các biện pháp kích thích tài chính.
Từ giữa tháng 11, tại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh kim loại quý Zurich năm 2023, chuyên gia Stoeferle đã cho rằng, "đường cong lãi suất mà chúng ta thấy gần đây đang dốc lên, đó là dấu hiệu cuối cùng cho thấy nền kinh tế đang tiến vào suy thoái; tiếp sau đó là chỉ số kinh tế hàng đầu có thành tích hoàn hảo, nhưng tín dụng và mức cung tiền M2 đều đang co lại.
Trong khi Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, chuyên gia Stoeferle cho rằng, "đến một lúc nào đó họ sẽ nhấn nút hoảng loạn" và bắt đầu hạ lãi suất trở lại, đây sẽ là thời điểm vàng lấy lại đà tăng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này không nghĩ Fed sẽ quay trở lại chiến lược cũ về nới lỏng định lượng, “bởi vì khi đó họ sẽ hoàn toàn mất đi danh tiếng mà họ đã xây dựng lại trong vài quý vừa qua”.
Liên quan đến chất xúc tác giá vàng, chuyên gia Stoeferle nêu tên việc ngân hàng trung ương mua vào và đảo ngược xu hướng các nhà đầu tư phương Tây bán vàng ETF. Ông nói: “Đây có thể là một yếu tố kích thích giai đoạn tiếp theo của đợt phục hồi này. Trên thực tế, các nhà đầu tư tài chính phương Tây đã không tham gia vào đợt tăng giá này”.
“Cho đến nay, chúng tôi đã chứng kiến 6 quý liên tiếp dòng vốn chảy ra khỏi các quỹ ETF vàng, đồng thời cũng có sự khác biệt lớn giữa phương Tây và phương Đông, vì vậy các quỹ ETF Bắc Mỹ và châu Âu đã được bán 200 tấn, trong khi các quỹ ETF châu Á đang mua. vì vậy tôi nghĩ điều này khá đáng chú ý.
Dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cũng cho thấy, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã mua ròng bình quân mỗi năm 473 tấn vàng trong thời kỳ 2010-2021. Nhưng năm nay, nhóm này đã mua ròng 1.100 tấn vàng, trong đó lượng mua ròng của 3 quý đầu năm là 800 tấn vàng. Tốc độ mua ròng vàng mạnh mẽ này “có thể tiếp tục trong nhiều năm. Và triển vọng giá vàng trong năm 2024, được cho rằng khả năng tăng giá là lớn.
Nhu cầu của ngân hàng trung ương đang thực sự mạnh mẽ, khi giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại, tôi nghĩ rằng hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ) sẽ xuất hiện và các ETF cũng sẽ xuất hiện. Đây sẽ trở thành một trong những yếu tố kích hoạt giá vàng trong tương lai", chuyên gia Stoeferle nói.