Giá vàng ghi nhận trên sàn Kitco lúc 5h00 ngày 9/1 (giờ Việt Nam), chốt tuần ở mức 1.850 - 1.851 USD/ounce. (Nguồn: Profit-loss) |
Cập nhật giá vàng hôm nay 9/1
Từ sát mức đỉnh cao 1.960 USD/ounce vào ngày 6/1, giá vàng đột ngột bốc hơi một mạch 60 USD/ounce trong ngày hôm sau. Người ta đã hy vọng vàng sẽ lập tức trở lại đỉnh cao ngay sau đó bởi những yếu tố hỗ trợ vẫn còn nguyên giá trị, nhưng bất chấp mọi quy luật thị trường, vàng đã nhanh chóng đánh mất ngưỡng 1.900 USD, khi tiếp tục đánh mất thêm hơn 70 USD nữa.
Ghi nhận của TG&VN lúc 5h00 ngày 9/1 (giờ Việt Nam), giá vàng niêm yết trên sàn điện tử Kitco phiên đóng cửa ngày 8/1, cũng là chốt tuần này hiện đã trở lại mức 1.850 - 1.851 USD/ounce (mua vào - bán ra), mất luôn hơn 70 USD/ounce (khoảng hơn 3%) so với phiên trước đó.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 8/1, giá vàng SJC chưa có dấu hiệu ngừng giảm, với mức giảm liên tiếp từ 120.000 - 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra tại các hệ thống kinh doanh so với giá đầu phiên sáng, đã rời rất xa mốc 57 triệu đồng. Tại hệ thống Vàng bạc Đá quí Sài Gòn, giá vàng trong nước giữ tiếp đà giảm của phiên sáng và cùng điều chỉnh ở chiều mua vào giảm 450.000 đồng/lượng, còn chiều bán ra giảm 350.000 đồng/lượng, hiện đang đứng ở 55,75 - 56,35 triệu đồng/lượng
Cũng trong phiên này, tại Công ty Bảo tín Minh Châu, vàng SJC được điều chỉnh giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng theo chiều bán ra, hiện đang niêm yết ở 55,80 - 56,28 triệu đồng/lượng. Theo đà giảm chung, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long hiện được niêm yết ở 54,86 - 55,56 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đột ngột quay đầu giảm nhanh vì sao?
Đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ổn định ở mức cao, dù kỳ vọng đối với các gói kích thích tài chính bổ sung tại nền kinh tế hàng đầu thế giới giữ cho kim loại quý vẫn trong đà ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, duy trì trên mức 1% và giúp cho đồng USD phục hồi mạnh mẽ. USD mạnh làm tăng chi phí nắm giữ vàng của các nhà đầu tư sử dụng đơn vị tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ loại tài sản không sinh lời như vàng.
Mặc dù vậy, việc đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ vẫn dấy lên hy vọng về những biện pháp kích thích lớn hơn và làm gia tăng dự báo về lạm phát, theo đó thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp để tránh lạm phát.
Theo đánh giá tình hình của Nhà phân tích Edward Moya (Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda), lãi suất là một trong những yếu tố thúc đẩy giới đầu tư bán tháo vàng để tập trung vốn vào trái phiếu. Trong khi đó, thị trường tài chính đã bắt đầu kỳ vọng Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden thành công hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Yếu tố này có thể làm giới đầu tư tài chính lạc quan hơn về kinh tế Mỹ. Họ tiếp tục hướng dòng tiền vào các tài sản có tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ tăng điểm dữ dội. Điều này đồng nghĩa, giới đầu tư giảm đưa tiền vào thị trường kim loại quý, tác động tiêu cực đến giá vàng.
Nhìn thị trường ở một góc khác, chuyên gia phân tích Jim Wyckoff của Kitco.com cho rằng, "vàng số" Bitcoin đang lên ngôi, thậm chí đe dọa soán ngôi vị tài sản an toàn nhất của vàng. Tiền ảo Bitcoin đang trên đà tăng giá mạnh chưa từng có và hiện đã lên tới 41.000 USD/Bitcoin, nên không ít nhà đầu tư đã bán vàng, dịch chuyển vốn vào đồng tiền này.
Ngoài ra, động thái bán chốt lời và "đánh xuống" (bán vàng giá cao, chờ vàng giảm giá để mua vào hưởng chênh lệch) của một số nhà đầu tư cũng rất có thể là tác nhân chính khiến giá vàng bốc hơi dữ dội. Biểu hiện rõ nhất là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm ngày 7 đến rạng sáng 8/1, các quỹ đầu tư bất ngờ bán 3,48 tấn vàng, trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán 1,18 tấn.
Chuyên gia phân tích Kyle Rodda của IG Market nhận định, trong ngắn hạn, thị trường dường như thiếu chất xúc tác để kéo giá vàng tăng cao hơn. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ, để đánh giá “sức khỏe” của thị trường việc làm.