Giá vàng đang tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục trong những ngày qua. (Nguồn: RFI) |
Thị trường loạn giá
9h30 sáng nay (24/7), giá vàng tại giá vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh được doanh nghiệp niêm yết giao dịch lên tới 54,17 triệu đồng/lượng-55,35 triệu đồng lượng (mua vào-bán ra), tức tăng tới 550.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Đến 13h chiều, giá vàng SJC bán ra đã vọt lên mức 56 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC loại 1 lượng - 10 lượng tại TPHCM được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 54,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC loại 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ được doanh nghiệp niêm yết ở mức 54,5 triệu đồng/lượng - 56,03 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 54,4 triệu đồng/lượng - 56,02 triệu đồng/lượng.
Biên độ giá mua vào - bán ra được doanh nghiệp niêm yết ở mức trên 1,6 triệu đồng/lượng, cho thấy giá vàng còn biến động mạnh.
So với mở cửa phiên sáng nay, giá vàng hiện tăng mỗi chiều 500.000 đồng/lượng và 950.000 đồng/lượng; còn so với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tăng mỗi chiều 900.000 đồng/lượng và 1,22 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 6h20 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua Kitco.com hiện niêm yết giao dịch ở mức 1.886,6 USD/ounce. Đến 9h sáng, giá vàng tại đây giảm nhẹ xuống còn 1.884 USD/ounce.
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 23%, còn so với đầu 2019 giá vàng tăng khoảng 46,5%.
"Đỉnh" 2.000 USD/ounce có còn xa?
Thông thường, giá vàng thế giới luôn biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán, bởi khi nhu cầu đối với các tài sản rủi ro tăng cao đương nhiên sẽ gây bất lợi cho các “thiên đường trú ẩn an toàn” như vàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giới đầu tư chứng kiến một thực tế là vàng tăng giá ngay cả khi thị trường chứng khoán “xanh sàn”. Điều này cho thấy, sự biến động của các cổ phiếu và giá vàng đang ngày càng xa rời các nguyên tắc cơ bản.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, do lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 và đồng USD suy yếu. Goldman Sachs dự báo, giá vàng trong 6 đến 12 tháng tới sẽ chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce và 2.000 USD/ounce.
Tháng trước, Bank of America (BofA) cũng cho rằng, giá vàng sẽ lập kỷ lục mới. Tháng 4/2020, ngân hàng này dự báo, kim loại quý này có thể chạm 3.000 USD/ounce trong tương lai.
Tin liên quan |
Tỷ giá USD hôm nay 24/7: Chưa có dấu hiệu ngừng giảm, đồng Euro có thể thay vị trí thống lĩnh |
Giá vàng có thể vượt mốc 55 triệu đồng? tâm lý quyết định lợi nhuận |
Chiến lược gia về hàng hóa của BofA Securities Michael Widmer cũng cho rằng, đà tăng sẽ được tiếp sức từ sự bất ổn trên toàn cầu.
Còn chuyên gia phân tích thị trường kim loại quý của ngân hàng HSBC James Steele nhận định, sự phục hồi kinh tế toàn cầu, dù với tốc độ nào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá vàng. Tuy nhiên, những nhân tố cơ bản tác động chính đến giá vàng là môi trường lãi suất thấp, sự kích thích tài chính và tiền tệ đáng kể và tác động lạm phát lên giá tài sản.
Có nên "rót vốn"?
Sức “nóng” của giá vàng khiến nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" và muốn chuyển hướng đầu tư vào kênh này để kiếm lợi nhuận. Một số nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã rút tiết kiệm khi lãi suất trong xu hướng đi xuống để mua vàng. Số nhà đầu tư khác sẵn sàng bán bất động sản để chuyển hướng đầu tư, vì theo tính toán của họ, vàng đang được dự báo còn chạm mốc 2.000 USD/ounce, thì mua lúc này vẫn lãi.
Theo triển vọng lạc quan, vàng có thể mang lại tỷ suất sinh lợi cao trong thời gian tới. Tính từ đầu năm đến nay, nếu rót vốn vào vàng đã kiếm được mức lợi nhuận 20%, cao gấp nhiều lần so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi giá vàng tăng vọt, chi phí mua cũng sẽ rất cao.
Theo chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu vàng Huỳnh Trung Khánh, diễn biến khó đoán định của dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, các ngân hàng trung ương, nhất là Mỹ tiếp tục tung ra các gói cứu trợ đang tác động tích cực lên thị trường vàng. Do đó, để có thể thành công trong đầu tư và kinh doanh vàng, nhất là ở những thời điểm vàng biến động tăng cao như hiện nay, các nhà đầu tư trong nước cần phải nắm được diễn biến về kinh tế thế giới nói chung, thị trường vàng quốc tế nói riêng.
"Khi rót vốn vào vàng cũng không chỉ nhắm đến mục tiêu lướt sóng để kiếm lời, cần tránh tình trạng đổ xô đi mua vàng khi thấy giá tăng quá cao và vội vàng bán ra khi vàng điều chỉnh giá. Đồng thời, nên phân bổ nguồn vốn vào các danh mục đầu tư hợp lý, thay vì dồn hết vào vàng", chuyên gia Trung Khánh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính Phan Dũng Khánh cũng cho hay, tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam có thể bị tác động bởi các nhận định về giá vàng, song các nhà đầu tư cũng nên thận trọng rủi ro khi lướt sóng. Bởi khi bước "sóng" tăng cao hơn 50 USD/ounce, sẽ có nhiều rủi ro khi vàng đảo chiều.
"Một khi tăng nóng, giá vàng đảo chiều là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư trong nước thận trọng", ông Hải cảnh báo.
| Giá vàng có thể vượt mốc 55 triệu đồng? tâm lý quyết định lợi nhuận TGVN. Ngày hôm nay (23/7), dù giá vàng thế giới có điều chỉnh nhẹ và hơi chững lại, nhưng thị trường trong nước vẫn được ... |
| Giá vàng liên tục lập 'đỉnh' mới, nên mua vào hay bán ra? TGVN. Sáng 23/7, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh, hiện giao dịch ở mức 52,38-53,38 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). |
| Giá vàng hôm nay: Tăng phi mã, tạo đỉnh mới, thị trường còn 'nóng rẫy' đến khi nào? TGVN. Giá vàng liên tục lập đỉnh mới, chúng ta đang có một con đường dài không chắc chắn ở phía trước để phục hồi ... |