TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản mong muốn thúc đẩy giao lưu văn hóa với ASEAN | |
Nhật Bản tiêu hủy 210.000 gia cầm |
Nội các Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng kỷ lục cho tài khóa 2017. Động thái này được cho là nhằm nâng cao khả năng của Tokyo ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và hành động ngày càng quyết liệt trên biển của Trung Quốc.
Ngân sách quốc phòng kỷ lục
Ngày 22/12, nội các Nhật Bản đã nhất trí thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2017, theo đó nâng mức chi tiêu quốc phòng cho năm thứ 5 liên tiếp lên mức kỷ lục 5,13 nghìn tỷ Yen (tương đương 43,6 tỷ USD), tăng 1,4% so với mức chi tiêu của tài khóa 2016.
Tổng chi ngân sách tài khóa 2017 của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 97,45 nghìn tỷ Yen. (Nguồn: IBT) |
Dự thảo ngân sách này cũng bao gồm các khoản chi cho kế hoạch thành lập một lực lượng đổ bộ giống mô hình lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vào cuối tài khóa 2017, tính đến tháng 3/2018 và một hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới được bố trí trên biển.
Lần đầu tiên, dự thảo ngân sách dành 14,7 tỷ Yen cho tên lửa đánh chặn SM -3 Block 2A thế hệ mới được bố trí trên tàu, do Nhật Bản và Mỹ hợp tác phát triển.
Tổng chi ngân sách tài khóa 2017 của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 97,45 nghìn tỷ Yen.
Duy trì vị thế quốc tế
Các nhà phân tích cho rằng, việc nội các Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng kỷ lục cho tài khóa 2017 là điều không gây ngạc nhiên, bởi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã liên tục tăng từ năm 2013, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.
Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách quốc phòng nhằm đưa cường quốc kinh tế ở khu vực châu Á này trở thành một quốc gia năng động hơn về an ninh quốc phòng trong khu vực và trên thế giới.
Để bảo đảm an ninh, vực dậy nền kinh tế và duy trì vị thế quốc tế của Nhật Bản, Thủ tướng Abe sẽ phải nỗ lực để tối đa hóa năng lực, tầm ảnh hưởng và vai trò của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là tận dụng tối đa nguồn lực quân sự mà Nhật Bản hiện có.
Do đó, lộ trình tăng sức mạnh quân sự đã được Tokyo vạch ra rất cụ thể từ nhiều năm nay. Đầu tiên là nâng mức đầu tư ngân sách quốc phòng để trang bị vũ khí hiện đại, đào tạo lực lượng phù hợp với tình hình an ninh mới. Ngân sách cũng được phân bổ để tăng sức mạnh bảo vệ bờ biển ở các đảo Miyakojima và Amami Oshima phía Nam Nhật Bản nhằm xoa dịu lo ngại của dư luận trước những hành động quyết đoán hơn của người láng giềng Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Ngoài ra, việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo hướng về phía vùng biển Nhật Bản, đồng thời tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân cũng khiến Nhật Bản phải lựa chọn thế chủ động trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa tầm xa.
Ngoài các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, chủ nghĩa khủng bố cũng đang gia tăng ở quy mô toàn cầu. Thêm vào đó, nạn cướp biển cũng đang hoành hành trên nhiều vùng biển, đặc biệt ở khu vực vịnh Aden và eo biển Malacca đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tự do hàng hải. Trong khi đó, nhiều tuyến vận tải biển trọng yếu với nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Nhật Bản lại buộc phải xuyên qua các vùng biển trên, nhất là các đội tàu chuyên chở dầu mỏ. Chính vì vậy, một lực lượng quân sự chủ động hơn và đủ mạnh nhằm bảo đảm chiến lược kinh tế là hiện thực để chính quyền Nhật Bản theo đuổi.
Năm 2015, Nhật Bản cũng đã thông qua luật mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài của các lực lượng phòng vệ (SDF), trong đó cho phép SDF có nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, trong trường hợp bị tấn công. Chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Washington tháng 4/2015 và chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong hai ngày 6 và 7/12 vừa qua cũng đã góp phần làm sâu đậm hơn hợp tác quân sự Nhật Bản - Mỹ.
Những thay đổi nêu trên cho thấy, chính quyền Nhật Bản đang khao khát “đưa Nhật Bản mạnh mẽ trở lại”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong lĩnh vực an ninh khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc Nhật Bản gia tăng sức mạnh quân sự sẽ thúc đẩy Trung Quốc, Nga, và Triều Tiên có hành động tương xứng.
Chính vì vậy, việc gia tăng phòng vệ và nâng cao năng lực quốc phòng của xứ Mặt trời mọc trên cơ sở tăng chi tiêu quốc phòng không chỉ dự báo về một cuộc đua ngân sách mà còn cho thấy các cuộc xung đột vốn đang tiềm tàng trong khu vực ngày càng gia tăng.
Giáo dục lòng yêu nước: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Nga Nhật Bản và Nga là hai nước rất chú trọng, quan tâm và có nhiều phương pháp giáo dục lòng yêu nước cho các thế ... |
Hợp tác duy trì hòa bình trên Biển Đông là lợi ích của tất cả các quốc gia Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay (Hà Lan): Tương lai hàng ... |
Mỹ - Nhật - Hàn hợp tác trừng phạt Triều Tiên Tuyên bố được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, ngày 13/12 ... |