Giá xăng dầu hôm nay 13/6, ở kỳ điều chỉnh ngày 12/6, giá xăng trong nước được giữ nguyên, giá dầu tăng nhẹ. (Nguồn: Báo Dân Việt) |
Giá xăng dầu hôm nay 13/6
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 13/6 (7h15 giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 67,382 USD/thùng, tăng 0,39% trong phiên, trong khi giá dầu Brent đứng ở mức 72,124 USD/thùng, tăng 0,4% trong phiên.
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 12/6 trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh nhà đầu tư cố gắng đánh giá mong muốn tăng lãi suất của Fed, trong khi những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc và nguồn cung dầu thô của Nga tăng tác động tới thị trường.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp trong tuần trước do dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc làm dấy lên quan ngại về tăng trưởng nhu cầu tại nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này, lấn át việc giá tăng nhờ Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023.
Việc Fed tăng lãi suất đã củng cố đồng bạc xanh, khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và gây áp lực lên giá cả.
Hầu hết những người tham gia thị trường đều dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi tại cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày vào ngày 14/6.
Mọi sự chú ý hiện đang tập trung vào hai yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của giá dầu đó là chỉ số lạm phát của Mỹ, công bố ngày 13/6. Chỉ số này sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm kiếm manh mối về tình hình kinh tế tổng thể. Yếu tố thứ hai là triển vọng chính sách của Fed trong năm tới sẽ định hướng cho giá dầu.
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, giá dầu sẽ sớm phục hồi nếu thị trường giữ kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất. Thực tế, áp lực bán vẫn tiếp diễn trên thị trường dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua. Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs đã tiếp tục cắt giảm dự báo giá dầu. Dự báo giá dầu thô tháng 12 của ngân hàng này hiện ở mức 86 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm từ 95 USD và ở mức 81 USD/thùng đối với dầu WTI, giảm từ 89 USD. Lo ngại xung quanh vấn đề triển vọng nhu cầu tiếp tục gây sức ép tới giá.
Tuy nhiên, vì rủi ro nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn, nên những nhà đầu cơ bán khống cũng sẽ thận trọng tại vùng giá dưới 70 USD/thùng đối với dầu WTI.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô cũng sẽ chi phối mạnh tới giá dầu trong tuần này, đặc biệt là báo cáo lạm phát của Mỹ và cuộc họp lãi suất sau đó vào đêm ngày 14/6.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy hiện có khoảng 73% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ công bố cho thấy bằng chứng tiếp tục hạ nhiệt, kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ có triển vọng hơn và giúp thúc đẩy tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Thị trường tạm thời cũng sẽ vắng bóng các tin tức vĩ mô, nên tâm lý của các nhà đầ tư cũng sẽ thận trọng chờ đợi các thông tin mới.
Giá xăng dầu trong nước
Tại thị trường trong nước, ngày 12/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 12/6, giá xăng được giữ nguyên, giá dầu tăng nhẹ. Theo đó, trên cơ sở điều hành của liên Bộ, các doanh nghiệp niêm yết giá xăng RON 95-III ở mức 22.010 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-II là 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel là 18.020 đồng/lít.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 17 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên. Và đợt điều chỉnh này giá xăng được giữ nguyên và dầu tăng nhẹ.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.