📞

Giá xăng dầu hôm nay 14/2: Giảm nhẹ do lo ngại thiếu hụt nhu cầu trong ngắn hạn; giá xăng trong nước bất ngờ tăng, ngược với dự báo

Ngọc Hà 08:06 | 14/02/2023
Giá xăng dầu hôm nay 14/2, lo ngại thiếu hụt nhu cầu trong ngắn hạn và kế hoạch giảm sản lượng của Nga, giá dầu thô thế giới giảm trở lại.
Giá xăng dầu hôm nay 14/2, giá xăng trong nước bất ngờ tăng, trái với dự báo trước đó. (Nguồn: Báo Hải quan)

Giá xăng dầu hôm nay 14/2

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,27% xuống 79,12 USD/thùng vào lúc 7h40 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 4 giảm 0,71% xuống 85,78 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/2), phục hồi từ đợt giảm trước đó, vì các nhà đầu tưđánh giá kế hoạch giảm sản lượng của Nga và lo ngại nhu cầu trong ngắn hạn trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,3% lên 86,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,5% lên 80,14 USD.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận định nền tảng cơ bản của dầu mỏ vẫn rất vững chắc.

"Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng ta sẽ thấy nhu cầu tăng nhiều hơn và Nga và OPEC có nguồn cung tương đương hoặc ít hơn, điều này sẽ làm tăng giá", ông Flynn nói.

Giá dầu tăng vào thứ Sáu (10/2) lên mức cao nhất trong hai tuần sau khi Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, cho biết họ sẽ giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngàytrong tháng 3, tương đương khoảng 5% sản lượng, để trả đũa việc phương Tây áp đặt giá trần đối với hàng xuất khẩu của nước này để đối phó với cuộc xung đột tại Ukraine.

Bộ trưởng năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ OPEC không cần họp sớm hơn dự kiến ​​vì thị trường đã cân bằng.

Cả hợp đồng dầu Brent và WTI đều tăng hơn 8% trong tuần trước, nhờ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc sau khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 bị hủy bỏ vào tháng 12.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng điểm vào thứ Hai.

Tâm điểm thị trường đang hướng đến dữ liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ, dự kiến được công bố vào 14/2.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã dẫn đến lo ngại rằng động thái này sẽ làm chậm hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Matthew Ryan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Ebury, cho biết rất khó để phóng đại tầm quan trọng của dữ liệu duy nhất này, vì các nhà giao dịch và Fed đang tìm kiếm xác nhận về xu hướng giảm dần trong vài tháng qua.

Giá xăng dầu trong nước

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính chiều 13/2, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị tường) tăng 620 đồng, lên mức 23.760 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.860 đồng một lít, tức tăng 540 đồng. Trong khi đó, các mặt hàng dầu đều giảm. Dầu hoả giảm mạnh nhất 980 đồng, về mức 21.590 đồng một lít; diesel h

Tại kỳ điều hành ngày 13/2, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, và mức trích lập với dầu dao động 200-600 đồng một lít, kg tuỳ loại. Nhà điều hành cũng tăng chi từ Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON95-III lên 950 đồng một lít, E5 RON92 là 850 đồng. Mức chi sử dụng quỹ vẫn duy trì 0 đồng với các mặt hàng dầu.

Điều này đi ngược dự báo của các doanh nghiệp trước đó, bởi cập nhật giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cho thấy giá xăng dầu đến ngày 10/2 vẫn giảm nhẹ so với kỳ trước.

Ngay trong văn bản điều hành, Bộ Công Thương cũng cho biết bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 30/1 và kỳ điều hành ngày 13/2 giảm.

Cụ thể, xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) ở mức 97 USD/thùng (giảm 1,8 USD/thùng, tương đương giảm 1,9% so với kỳ trước); giá xăng RON 95 là 100,2 USD (giảm 2 USD/thùng, tương đương giảm 1,9% so với kỳ trước); giá dầu diesel xuống 108 USD/thùng (giảm 8,9 USD/thùng, tương đương giảm 7,7% so với kỳ trước).

"Kỳ điều hành này, giá 2 mặt hàng xăng giảm nhẹ và đang chi quỹ bình ổn giá ở mức cao (E5 RON 92 là 850 đồng/lít; xăng RON 95 là 950 đồng/lít).

Theo quy định tại Thông tư 103/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá và để tạo dư địa trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn, liên Bộ quyết định không chi quỹ với tất cả mặt hàng xăng dầu cũng không trích lập đối với xăng", văn bản điều hành nêu rõ.

Theo nhà điều hành, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, cũng như bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng dầu phù hợp với biến động của giá dầu thế giới.

Một số doanh nghiệp cũng nhìn nhận giá xăng vốn dự báo giảm khoảng 300-400 đồng/lít, nhưng do kỳ trước cơ quan điều hành đã chi quỹ bình ổn gần 1.000 đồng/lít nên ở kỳ này giá tăng 500-600 đồng/lít là hợp lý.

(tổng hợp)