Giá xăng dầu hôm nay 18/6, thế giới đã có một tuần tích cực khi giá dầu liên tục leo dốc trong tuần này sau 2 tuần giảm giá. (Nguồn: Reuters) |
Giá xăng dầu hôm nay 18/6
Cuối tuần trước, nhiều nhà phân tích dự đoán giá dầu tuần này sẽ tăng. Tuy nhiên, ngay ở phiên đầu tiên của tuần, giá dầu đã kéo dài chuỗi giảm giá của hai tuần trước đó bằng cú lao dốc sốc gần 4%. Sự trượt dốc này của giá dầu là do Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu với lý do nguồn cung cao hơn dự kiến vào cuối năm nay và năm 2024.
Ngân hàng này dự báo giá dầu thô Brent tháng 12 giảm xuống mức 86 USD/thùng từ mức 95 USD/thùng trước đó và giá dầu WTI xuống mức 81 USD/thùng từ mức 89 USD/thùng. Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu ngay trước thềm công bố dữ liệu lạm phát quan trọng và cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đẩy giá dầu lao dốc.
Nhưng giá dầu đã không thể duy trì cú trượt dốc sang phiên thứ hai của tuần sau. Dữ liệu lạm phát từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm nhưng mức lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu của Fed. Dữ liệu này đã hỗ trợ giá dầu tăng hơn 4%.
Quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed trong tháng này không làm bất ngờ thị trường nhưng tín hiệu cho thấy Fed có thể sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm chi phí đi vay vào cuối năm nay vì nền kinh tế Mỹ và lạm phát hạ nhiệt chậm hơn kỳ vọng đã khiến giá dầu lại trở về quỹ đạo giảm. Nhân tố cũng tác động đến sự giảm 1,5% của giá dầu trong phiên giao dịch thứ ba của tuần còn phải kể đến dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng mạnh.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/6, tăng “khủng” so với dự báo giảm 500.000 thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng và dầu diesel cũng tăng nhiều hơn dự kiến.
Tại hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng hơn 4% do đồng USD giảm, hoạt động lọc dầu tăng vọt tại Trung Quốc, và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Với ba phiên tăng giá khá cao và hai phiên giảm tốc, giá dầu tuần này đã trải nghiệm tuần tăng giá với dầu Brent tăng 2,4% lên mức 76,61 USD/thùng, dầu WTI tăng 2,3% lên mức 71,78 USD/thùng.
Với đà tăng của giá dầu như hiện nay, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết sẽ là thực tế nếu cho rằng giá dầu có thể chạm mốc 80 USD/thùng.
Trong tuần, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày lên 2,4 triệu thùng/ngày, nâng tổng nhu cầu dự kiến lên 102,3 triệu thùng/ngày. Cơ quan này dự kiến những cơn gió ngược kinh tế sẽ làm giảm cầu 860.000 thùng/ngày vào năm sau và việc tăng cường sử dụng xe điện sẽ khiến nhu cầu giảm 400.000 thùng/ngày xuống mức 105,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028.
JPMorgan đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm nay xuống còn 81 USD/thùng.
Tuần tới, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm. Các bình luận của các quan chức Fed sau bình luận của chủ tịch Fed về khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm sẽ tiếp tục là đề tài theo dõi của các nhà đầu tư và cũng là nhân tố ảnh hưởng đến giá dầu vào tuần giao dịch mới.
Giá xăng dầu trong nước
Tại thị trường trong nước, ngày 12/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành.
Ở kỳ điều chỉnh ngày 12/6, giá xăng được giữ nguyên, giá dầu tăng nhẹ. Theo đó, trên cơ sở điều hành của liên Bộ, các doanh nghiệp niêm yết giá xăng RON 95-III ở mức 22.010 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-II là 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel là 18.020 đồng/lít.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 17 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên. Và đợt điều chỉnh này giá xăng được giữ nguyên và dầu tăng nhẹ.
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.