Giá xăng dầu hôm nay 22/7, giá xăng trong nước tăng mạnh từ chiều ngày 21/7, tiến sát mốc 23.000 đồng/lít. (Nguồn: Tuổi trẻ Online) |
Giá xăng dầu hôm nay 22/7
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (22/7) tiếp đà đi lên từ hai phiên trước. Hôm 21/7, giá dầu thế giới tăng nhẹ do lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h33' ngày 21/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 80,37 USD/thùng, tăng 0,72 USD, tương đương 0,92% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 75,63 USD/thùng, tăng 0,28 USD, tương đương 0,37% so với phiên liền trước.
Đến 21h40' ngày 21/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 80,43 USD/thùng, tăng 0,79 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 76,56 USD/thùng, tăng 0,91 USD, tương đương 1,2% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên khi các nhà đầu tư kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ sớm ban hành thêm các biện pháp kích thích kinh tế cộng với lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm đi kèm với việc thắt chặt nguồn cung.
Số liệu kinh tế quý II của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - thấp hơn dự kiến đã hạn chế đà tăng của giá dầu kể từ đầu tuần. Nhưng tâm lý của các nhà giao dịch đã được cải thiện do kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng còn do dự trữ dầu thô của Mỹ - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới -giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước, được hỗ trợ bởi xuất khẩu dầu thô tăng cùng với việc các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Việc cắt giảm sản lượng tại Saudi Arabia khiến cho nguồn cung dầu thô tại Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng nâng giá dầu. Nga cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Trong khi Saudi Arabia cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung đã thúc đẩy giá dầu tăng trở lại trong tháng này.
Giá xăng dầu trong nước
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh.
Giá xăng E5RON92 không cao hơn 21.630 đồng/lít, tăng 1.220 đồng/lít. Giá xăng RON95-III không cao hơn 22.790 đồng/lít, tăng 1.300 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.500 đồng/lít, tăng 890 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 19.180 đồng/lít, tăng 860 đồng/lít. |
Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/7 đến 21/7) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu thô của Mỹ giảm; nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh.
Bên cạnh đó, mức dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại, kèm theo nhu cầu của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng sau đại dịch trong nửa cuối năm nay; dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm cơ bản lên mức 5,25-5,5% vào tuần tới…
Theo cơ quan quản lý, các yếu tố trên tác động khiến giá xăng dầu tăng giảm đan xen, nhưng nhìn chung là tăng.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Liên bộ cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.
Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.
Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia.