📞

Giá xăng dầu hôm nay 4/4: Giá dầu tăng đột ngột vì lý do này; vì sao giá xăng trong nước chưa thể giảm?

Ngọc Hà 08:25 | 04/04/2023
Giá xăng dầu hôm nay 4/4, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng tốc đột ngột đúng một ngày sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng, dấy lên lo ngại về thắt chặt nguồn cung.
Giá xăng dầu hôm nay 4/4, giá dầu tăng tốc đột ngột đúng một ngày sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng. (Nguồn: VTC News)

Giá xăngdầu hôm nay 4/4

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 6%. Sự tăng tốc đột ngột ngày của giá dầu được tiến hành đúng một ngày sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng, làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung trong khi một số cảnh báo về nhu cầu giảm nếu các nhà máy lọc dầu do dự khi trả giá cao hơn cho dầu thô.

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 5,04 USD, tương đương 6,3%, lên mức 84,93 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent đã chạm mức 86,44 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 7/3. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,75 USD, tương đương 6,3%, lên mức 80,42 USD/thùng sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tháng trong phiên.

Ngày 2/4, OPEC+ đã gây sốc thị trường với thông báo sẽ hạ mục tiêu sản xuất thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Các cam kết mới này đã nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.

OPEC đã mô tả việc cắt giảm là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.

Theo Reuters, việc cắt giảm tự nguyện của các thành viên của OPEC+ sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm. Saudi Arabia cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Iraq tuyên bố sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày; UAE 144.000 thùng/ngày; Algeria 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan 78.000 thùng/ngày; Gabon 8.000 thùng/ngày. Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế suy yếu và dự trữ dầu tăng đã hỗ trợ cho quyết định này. Tháng trước, giá dầu Brent giao dịch gần 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại nhu cầu suy yếu.

Kể từ giữa tháng 12/2022, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng khá đều đặn và đạt mức cao nhất trong hai năm vào tuần kết thúc vào ngày 17/3. Theo nhà phân tích Bob Yawger, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng khiến một số lượng lớn dầu thô của Nga tìm nơi trú ngụ.

Tuy nhiên, việc hạn chế sản lượng của OPEC+ đã khiến hầu hết các nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Yawger và nhiều nhà phân tích nhận xét, sự tăng giá của dầu Brent có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương và dần dần đẩy các nền kinh tế đến gần suy thoái hơn.

Theo Reuters, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 3 và có thể giảm hơn nữa do tín dụng thắt chặt hơn và chi phí đi vay cao hơn.

Giá xăng dầu trong nước

Trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 21/3 - 3/4) tăng giảm đan xen, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng trong nước đã có thể giảm nếu cơ quan quản lý dừng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, chiều 3/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu ở mức 300 đồng/lit,kg, giữ nguyên như kỳ trước. Việc này đã khiến giá xăng RON95 tăng lên 23.125 đồng/lít và xăng E5 RON92 tăng lên 22.082 đồng/lít. Dầu diesel cũng quay đầu tăng nhẹ lên mức 19.430 đồng/lít.

Liên quan đến hoạt động quỹ bình ổn giá, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc xem xét bỏ quỹ BOG với xăng dầu. Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Diễn biến thị trường nhiều thời điểm cho thấy quỹ bình ổn giá không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ điều hành mức tăng giảm giá, nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa Nhà nước không còn công cụ quản lý. Theo ông Phớc, Bộ Tài chính đang tiếp tục đánh giá để quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành, hoạt động có hiệu quả nhất.

Còn ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm: "Ý kiến cá nhân tôi là có thể giữ, nhưng nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn".

(tổng hợp)