Nền kinh tế khó cất cánh
Điều này thực sự đã làm khó Tổng thống Joko Widodo khi ông đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.
Mục tiêu tăng trưởng 7% mà ông đặt ra khi nhậm chức năm 2014 vẫn chưa đạt được. Không chỉ vậy, một lần nữa ông phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng trầm trọng. Con số tăng trưởng GDP 5,1% trong quý II năm 2018 vừa mới được công bố càng khiến cho người ta bi quan hơn về tương lai của nền kinh tế quốc gia vạn đảo.
Ông Widodo dường như không còn nhiều thời gian để thúc đẩy các biện pháp kích thích nền kinh tế khi cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần. Vì vậy, thời gian qua, ông Widodo đã tập trung vào việc dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng nội tệ, vốn đã trượt giá 6% trong năm nay.
Tổng thống Widodo (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tháng 5/2018. (Nguồn: AP) |
Tốc độ tăng trưởng đầu tư của Indonesia vẫn còn yếu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 2,5 tỷ USD trong quý I/2017, bằng gần một nửa của quý III/2016. Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng theo các dự án đang được triển khai rất chậm, một số đang bị trì hoãn hoặc vẫn đang được xem xét. Sản xuất điện có thể sẽ không đạt được mục tiêu bổ sung thêm 35.000 MW.
Mục tiêu về doanh thu thuế cũng đã bị hạ xuống và thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục leo thang, gần ngưỡng pháp lý là 3%. Dù kết quả của chính sách miễn thuế đã tốt hơn so với các nước khác, nhưng Indonesia vẫn không đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra. Hơn nữa, mặc dù Ngân hàng Indonesia đã giữ những chính sách tiền tệ phù hợp, song mức độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng vẫn yếu kể từ tháng 12/2015.
Trong lĩnh vực năng lượng, sản lượng dầu đã giảm và thâm hụt dầu khí trong cán cân thanh toán lại tăng lên. Thâm hụt đã đạt 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phát triển nở rộ của năng lượng tái tạo chỉ mới đạt được thành công ban đầu. Tuy nhiên, các công ty năng lượng đã cắt giảm ngân sách cho các hoạt động thăm dò và một số công ty thậm chí còn từ bỏ các hoạt động tìm kiếm các nguồn năng lượng dự trữ mới, gần đây nhất là việc Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil đã rút khỏi bể khí Đông Natuna của Indonesia.
Nhà kinh tế học Gareth Leather, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại viện Capital Economics Ltd. ở London nhận định rằng, nền kinh tế Indonesia khó có thể cất cánh và mức tăng trưởng 5% sẽ là con số hợp lý nhất. Kể từ tháng 5, Ngân hàng Trung ương nước này đã tăng lãi suất lên 1% nhằm ổn định tiền tệ.
Chấp nhận rủi ro để đột phá?
Mặc dù vậy, nền kinh tế đông dân thứ tư thế giới cũng đang có một số điểm sáng, mức tiêu dùng cá nhân chiếm 55% GDP đang duy trì ở mức ổn định và có xu hướng tăng trong mùa bầu cử sắp tới. Hiệp hội các ngành công nghiệp ô tô Indonesia cũng cho thấy một doanh số bán hàng lạc quan, khi số ô tô bán ra tăng lên mức 1,1 triệu chiếc trong năm 2018 so với 1,08 triệu chiếc trong năm ngoái. Bên cạnh đó, thời gian tới, việc đăng cai cuộc gặp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Asian Games vào cuối năm nay hứa hẹn sẽ giúp quốc đảo phát triển du lịch.
Ông Widodo sẽ bắt đầu chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo vào tháng tới. Sự cạnh tranh trong cuộc bầu cử lần này được dự đoán sẽ rất khốc liệt. Đặc biệt, căng thẳng chính trị trước cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, buộc các nhà đầu tư phải cảnh giác, cản trở tăng trưởng kinh tế và nguồn vốn. Bởi vậy, nền kinh tế muốn đạt được tăng trưởng phải phụ thuộc vào việc liệu Tổng tống Widodo có sẵn sàng đưa ra các cải cách quan trọng và rộng lớn hơn hay không, cũng như việc liệu ông có sẵn sàng chấp nhận các rủi ro liên quan hay không...
Trước mắt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cải thiện nền kinh tế, chính quyền của ông Widodo cần thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp sử dụng nhiều lao động. Thúc đẩy sản xuất có thể giúp cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu thô và cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai.