Các cường quốc về xuất khẩu dầu đang nỗ lực tìm cách hạ nhiệt giá dầu vốn dang leo thang lên mức cao nhất trong 7 năm qua. (Nguồn: Anadolu) |
Ngày 24/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chính phủ nước này sẽ mở một phần kho dự trữ dầu cùng với Mỹ mà không vi phạm các điều luật.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida tiết lộ, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda sẽ thông báo khối lượng dầu cụ thể được giải phóng, đồng thời khẳng định, nước này sẽ tiếp tục vận động các nước sản xuất dầu đối phó với tình trạng biến động giá nghiêm trọng.
Trước đó một ngày, hãng tin PTI dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Ấn Độ cho biết, hiện nước này dự trữ khoảng 38 triệu thùng dầu thô trong các kho ngầm tại ba địa điểm ở bờ phía Đông và phía Tây và sẽ xuất kho khoảng 5 triệu thùng, sớm nhất từ 7-10 ngày tới nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Theo nguồn tin, lượng dầu trên sẽ được bán cho Mangalore Refine and Petrochemicals Ltd (MRPL) và Hindustan Petroleum Corp Ltd (HPCL). Hai công ty này kết nối với các kho dự trữ chiến lược bằng đường ống. Ấn Độ có thể sẽ xem xét xuất thêm dầu dự trữ sau đó.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, nước này sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) quốc gia, như một phần của nỗ lực chung giữa các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ chốt nhằm kiểm soát đà tăng nhanh của giá nhiên liệu vào năm 2021.
Trong số 50 triệu thùng dầu này, 32 triệu thùng sẽ được trao đổi trong vài tháng tới, 18 triệu thùng còn lại là phần mở rộng của các giao dịch được ủy quyền từ trước đó.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng, Tổng thống Biden có thể đưa ra các hành động bổ sung nếu cần. Ông sẵn sàng sử dụng toàn quyền của mình để phối hợp với phần còn lại của thế giới nhằm đảm bảo nguồn cung khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Thông báo được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ nhiều tháng liền cho biết, nước này đang xem xét các công cụ sẵn có để đối phó với giá năng lượng leo thang, trong bối cảnh giá dầu WTI đạt mức cao nhất trong 7 năm, ở mức trên 85 USD/thùng.
Sau thông báo mới nhất của Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ phiên 23/11 đã thoát khỏi mức thấp đầu phiên, hạn chế mức giảm còn 28 xu Mỹ xuống 76,50 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 34 xu Mỹ lên 79,98 USD/thùng.
Ông John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn tài chính Again Capital, nhận định, đây là một động thái đúng lúc để "thử" hạ giá dầu.
Theo ông, nguồn cung bổ sung này sẽ giúp thu hẹp tình trạng thiếu hụt sản xuất trước mùa Đông, đặc biệt nếu nguồn dầu được xuất ra tại một số quốc gia tiêu thụ lớn ở châu Á tăng đáng kể.
Hồi giữa tháng này, một số nguồn tin thân cận tiết lộ với báo giới rằng, nhóm các quan chức Mỹ do Cố vấn cấp cao về An ninh Năng lượng Amos Hochstein dẫn đầu đã kêu gọi các đồng minh lâu năm, gồm Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Trung Quốc và Ấn Độ xem xét cùng kết hợp mở các kho dự trữ dầu khẩn cấp để kiểm soát giá.
Việc “giải phóng” kho dự trữ dầu phối hợp giữa Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là động thái đầu tiên thuộc nỗ lực chung này.
Giới quan sát chỉ ra rằng, các quốc gia trên cùng Mỹ hợp thành nhóm 5 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vì vậy, động thái này có thể đóng vai trò như một tín hiệu mạnh mẽ về sự thống nhất giữa các quốc gia tiêu thụ dầu trước bối cảnh giá năng lượng toàn cầu leo thang.
Các nhà phân tích cho biết, nếu những lời kêu gọi này được thực hiện, chúng cũng có thể khiến giá dầu xuống thấp hơn trong ngắn hạn.
| Nhật Bản có thể lần đầu tiên 'giải phóng' kho dầu dự trữ để ổn định giá Theo các nguồn tin thân cận, hiện Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở các kho dầu dự trữ nhằm ổn định giá, một ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Lệch pha cung cầu và khả năng giá dầu 'lao dốc thảm' vào năm tới? Sự phản ứng chậm chạp của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu trước nhu cầu tăng cao trong năm 2021 đã góp phần làm ... |