📞

Giai đoạn khó khăn cho hoạt động viện trợ của Mỹ

14:45 | 03/03/2017
Việc chính quyền Trump ưu tiên quốc phòng và cắt giảm viện trợ đang gây lo ngại cho nhiều tổ chức của Mỹ.

Thời gian tới, chi tiêu của Mỹ cho viện trợ nước ngoài dự kiến sẽ bị cắt giảm đáng kể, theo như kế hoạch ngân sách của ông Trump nhằm tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD.

Ông Trump thực hiện cam kết tranh cử

Mỹ hiện có chương trình viện trợ nước ngoài lớn và quy mô rộng nhất trên thế giới, với chi tiêu liên bang dự kiến là 50,1 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Trong đó, hơn 18 tỷ USD sẽ được sử dụng cho viện trợ phát triển kinh tế, 8,1 tỷ USD dự kiến được chi cho viện trợ an ninh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD. (Nguồn: AP)

Các tổ chức nhân đạo đã lường trước được việc ngân sách bị cắt giảm kể từ cuộc tranh cử của ông Trump. Những động thái của Washington đầu tuần này dường như củng cố thêm khả năng ông Trump sẽ thực hiện đúng theo lời cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử, rằng “ngừng viện trợ cho những quốc gia căm ghét nước Mỹ”.

Các quan chức tại Nhà Trắng cho biết viện trợ nước ngoài sẽ bị giảm đáng kể, và phần lớn các cơ quan chính phủ sẽ phải thực hiện sự cắt giảm này. Nơi dự kiến tiếp nhận viện trợ phát triển kinh tế lớn nhất trong năm nay là Afghanistan (1 tỷ USD), tiếp theo là Jordan (623,4 triệu USD) và Ethiopia (512,6 triệu USD).

Quan ngại của cộng đồng quốc tế

Liên hợp quốc (LHQ) cũng tỏ ra lo ngại sau khi các quan chức ở đây được thông báo về một dự thảo lệnh yêu cầu cắt giảm 40% ngân sách đối với những đóng góp tự nguyện của Mỹ cho các tổ chức quốc tế. Với việc chi cho 22% ngân sách chính của LHQ và gần 29% cho việc gìn giữ hoà bình, các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã cho rằng những đóng góp này của Mỹ là thiếu công bằng.

Hiện nay, dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi về quan điểm của Mỹ đối với các hoạt động hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Mỹ được kì vọng sẽ đáp lại lời kêu gọi đóng góp của các tổ chức nhân đạo và LHQ nhằm hỗ trợ số tiền 1,5 tỷ USD trong năm nay để giải quyết nạn đói tại khu vực hồ Chad của châu Phi.

Ông Tom Hart, Giám đốc Điều hành khu vực Bắc Mỹ của tổ chức vận động cứu trợ ONE Campaign, cho biết: “Chúng tôi hết sức lo ngại khi những nỗ lực hỗ trợ khu vực hạ Sahara của châu Phi phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc cắt giảm này".

Gạo của USAid cung cấp cho các nước châu Phi. (Nguồn: USAid.org)

Số liệu bất ngờ

Mới đây, hơn 120 vị tướng và đô đốc về hưu đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không cắt ngân sách cho các hoạt động viện trợ nước ngoài, đồng thời cảnh báo rằng: “Từ kinh nghiệm phục vụ trong quân đội, chúng tôi biết rằng nhiều cuộc khủng hoảng của quốc gia không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp quân sự.”

Họ nói thêm: “Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAid), Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (Millennium Challenge Corporation), Tổ chức Hoà bình Mỹ (Peace Corps) và các cơ quan phát triển khác đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn xung đột và hạn chế việc người lính phải ra chiến trường.”

Thông tin về việc cắt giảm sắp tới có lẽ là một cú sốc đối với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAid), khi mà các quan chức cấp cao ở đây cho biết họ đã rất lạc quan qua chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao mới của Mỹ Rex Tillerson.

Mặc dù có ngân sách viện trợ phát triển lớn nhất thế giới, Mỹ thực ra lại là một trong những nước ít hào phóng nhất trong lĩnh vực này. Chi tiêu ngân sách cho viện trợ nước ngoài trong năm 2015 của Mỹ chỉ chiếm 0,17% tổng thu nhập quốc gia, so với 0,7% của Anh. Tuy vậy, người dân Mỹ dường như không hề biết về điều này, bởi theo nghiên của YouGov cho thấy hơn một nửa những người được khảo sát nghĩ rằng Mỹ đã chi quá nhiều cho viện trợ nước ngoài.

(theo The Guardian)