📞

Giải mã bí ẩn của đám mây “sóng đại dương”

21:58 | 06/11/2015
Gần đây nhiều trang mạng lớn trên thế giới đã đăng tải đoạn video độc đáo về hiện tượng các lớp sóng Kelvin-Helmholtz, ghi lại hình ảnh những đám mây giống con sóng trên bầu trời Breckenridge, bang Colorado, hôm 30/10 vừa qua. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra ở bang Alabana của nước này vào năm 2011.
Sóng Kelvin-Helmholtz trên mây. (Nguồn: Wordless Tech)

Hiện tượng này được gọi là đám mây “sóng đại dương Kelvin-Helmholtz”, được đặt tên theo hai nhà khoa học Lord Kelvin và Hermann von Helmholtz. Nó có thể xuất hiện ở khắp hệ Mặt Trời, kể cả trong bầu khí quyển sao Thổ.

Theo các chuyên gia, hiện tượng đám mây “sóng đại dương Kelvin-Helmholtz” xảy ra khi 2 lớp không khí khác nhau trong bầu khí quyển đang dịch chuyển với vận tốc khác nhau. Khi chúng gặp nhau, một lớp khác được tạo thành, trở nên kém bền vững hơn do các thay đổi về tốc độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những “đám mây sóng đại dương” này chính là thí dụ điển hình của “sóng Kelvin – Helmholtz”, được hình thành khi hai lớp không khí va chạm vào nhau. Dù được ghi nhận trên bầu trời hay dưới đại dương, dạng chuyển động nhiễu loạn này luôn được hình thành khi một tầng“lỏng” chuyển động nhanh trượt lên trên một tầng khác dày hơn, chuyển động chậm hơn.

Các nhà khoa học mô phỏng hiện tượng sóng Kelvin-Helmholtz như sau: Nó cho thấy các bong bóng từ trường xung quanh Trái Đất, được gọi là từ quyển. Khi gió Mặt Trời cuộn chảy, nó tạo ra các hình dạng của sóng – gọi là sóng Kelvin-Helmholtz.

Theo nhà khoa học vũ trụ Shiva Kavosi (Đại học New Hampshire - Mỹ), cho biết: Trước đây, các nhà nghiên cứu đã biết về sự tồn tại của các lớp sóng Kelvin-Helmholtz ở rìa tầng từ trường của Trái Đất. Chúng từng được coi là tương đối hiếm gặp và được cho là chỉ xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ điều kiện nào và trên thực tế, thậm chí còn khá phổ biến.

CKT (tổng hợp)