Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thử nghiệm sự quyết tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: NBCNews) |
Bất kể bước đi mà ông Tập dự định thực hiện là gì thì kết quả của cuộc đàm phán không phải là điều mà bất cứ ai cũng muốn thấy, đó là việc Mỹ có kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Trong khi tiếp tục đàm phán, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại xem xét tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc.
Vì những lý do cũ?
Vấn đề sâu xa hơn là tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại quyết định như vậy. Có ba lý do được đưa ra để giải thích cho sự từ chối thỏa thuận của Trung Quốc, trong đó lý do đầu tiên là việc Mỹ muốn giữ một số thuế quan và từ chối bãi bỏ tất cả thuế quan; thứ hai là do Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý và thứ ba là dự thảo thỏa thuận đã bị Trung Quốc xem là không cân bằng, có hại cho chủ quyền của mình.
Lý do thứ nhất và thứ hai không phải là mới. Cả hai bên đã thảo luận về những lý do này ngay từ đầu.
Còn lý do thứ ba có phải là chìa khóa cần thiết để giải mã ý định của Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán, Mỹ yêu cầu Trung Quốc áp dụng một cơ chế để cho phép Washington đánh giá việc thực hiện cam kết của Bắc Kinh, trong việc loại bỏ các hoạt động thương mại không công bằng.
Mỹ cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc sửa đổi luật pháp để thực thi các biện pháp cụ thể, nhằm ngăn chặn các hành vi thương mại không công bằng, như sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ.
Một lần nữa, điều này không có gì mới vì phía Mỹ đã ngay từ đầu yêu cầu giám sát việc thực thi thỏa thuận để đảm bảo Trung Quốc giữ đúng lời hứa. Các nhà đàm phán Trung Quốc đã đồng ý. Nhưng bây giờ, Trung Quốc lại quay ngoắt nói rằng, bất kỳ yêu cầu nào nhằm sửa đổi luật pháp của họ là không thể chấp nhận được đối với người dân Trung Quốc, vì nó làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc.
“Bài trì hoãn” đợi năm 2020?
Hai tác giả Bradley A. Thayer và Lianchao Han lại đưa ra ba giải thích khác về lý do tại sao ông Tập Cận Bình hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ban đầu, lãnh đạo Trung Quốc có thể lo lắng về nhận thức và phản ứng trong nước đối với bất kỳ nhượng bộ thương mại nào với Mỹ. Bất cứ điều gì có thể được coi là “lép vế” dưới áp lực của Mỹ, chẳng hạn như sửa đổi luật pháp Trung Quốc, sẽ đi ngược lại với hình ảnh “người đàn ông thép” mà ông Tập xây dựng được.
Nếu điều này trở thành hiện thực, ông Tập có thể sẽ bị coi là kẻ thua cuộc trong thỏa thuận này với Mỹ.
Trong giới lãnh đạo hàng đầu tại Trung Quốc dường như có những bất đồng về thỏa thuận thương mại và cách xử lý của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Do đó, một thỏa thuận “thua thiệt”sẽ làm tổn thương đến khả năng điều hành đất nước của ông.
Thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thử nghiệm sự quyết tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông ấy đã dự đoán rằng, Mỹ sẽ quay trở lại vì thị trường Mỹ đang có những phản ứng xấu với sự bế tắc và cũng do áp lực phải chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc, mà từ người nông dân đến doanh nghiệp Mỹ đều có khả năng bị ảnh hưởng.
Tất nhiên, nếu điều khoản sửa đổi luật là vấn đề thực sự đối với Trung Quốc, tại sao Trung Quốc không chỉ đàm phán về vấn đề này, thay vì từ chối gần như tất cả các yêu cầu cốt lõi của Mỹ ngay trước giờ chót mà bản thỏa thuận có thể được hoàn tất? Rõ ràng, chiến lược của ông Tập là nhằm trì hoãn thỏa thuận thương mại với kỳ vọng sẽ đàm phán tốt hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn không muốn Trung Quốc thực hiện các cải cách cơ cấu, vốn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ áp đặt bất kỳ yêu cầu thay đổi pháp lý lớn nào, như mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng, hay vấn đề quyền trí tuệ và các hoạt động thương mại công bằng.
Đối với Trung Quốc, việc đạt được những yêu cầu này sẽ khiến Mỹ thúc đẩy các yêu cầu bổ sung như tự do Internet, cũng như các vấn đề nhạy cảm khác.
Một vòng xung đột thương mại mới là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình có thể đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung đột lớn hơn trong mối quan hệ Trung - Mỹ.