📞

Giải mã nguyên nhân khiến giá vàng 'đè bẹp' USD

Linh Chi 11:15 | 29/07/2020
TGVN. Tỷ giá USD đang trượt dốc, xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Trong khi đó, giá vàng lại tăng phi mã, liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục. Nguyên nhân nào khiến giá vàng phi mã giữa lúc USD hụt hơi?
Trong những tuần tới, thế giới sẽ chứng kiến giá đồng USD tiếp tục giảm mạnh. (Nguồn: Forbes)

Vì sao USD liên tục hụt hơi?

Dẫn lời nhà phân tích Jens Nordvig, CEO của Exante, trang CNBC cho hay, đồng USD đang phải đối mặt với cơn bão lớn khi giá USD duy trì ở mức cao trong suốt 6 năm và thời gian qua đã bắt đầu có sự điều chỉnh mạnh.

Tính từ đầu tháng 7, giá đồng USD đã lao dốc 4,9% so với đồng Euro, tụt 2,5% so với đồng Yen Nhật. Trong tháng 7, chỉ số đồng USD cũng lao dốc tới 3,77%. Đây là cú sụt giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 4/2011 (thời điểm đó giảm 3,85%).

Theo đó, giá đồng USD trượt dốc liên tiếp do dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới liên tục tăng. Sự trượt giá của đồng USD xuất hiện khi Mỹ tỏ ra "yếu thế" trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

“Đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra và một số quốc gia đang làm tốt hơn những quốc gia khác. Không kiểm soát được virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Mỹ không thể hoạt động bình thường, dẫn đến những thất bại tiềm ẩn và một nền kinh tế đình trệ hơn", CEO Jens Nordvig phân tích.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng khẳng định, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hụt hơi so với các khu vực khác của thế giới, bao gồm cả châu Âu.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn Global Forex nhận định, tâm lý dè chừng đối với đồng USD đang được nhân rộng, không chỉ ở các quốc gia mà còn ở những đối tượng tham gia thị trường như các tổ chức tài chính hay các nhà quản lý tài sản.

Ngoài ra, giá đồng bạc xanh sụt giảm còn vì thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng lớn và lãi suất cơ bản đang ở mức cực thấp. Thống kê cho thấy, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ đang lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thâm hụt ngân sách liên bang hiện được ước tính ở ngưỡng cao kỷ lục 2.700 tỷ USD trong 9 tháng đầu của tài khóa 2020, khi Washington phải căng mình đối phó với virus SARS-CoV-2.

Xu hướng này có thể tiếp diễn trong tương lai, giữa bối cảnh “núi nợ” của nước Mỹ ngày một lớn, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đẩy mạnh mua vào trái phiếu chính phủ và các tài sản khác trong môi trường lãi suất được duy trì ở mức gần bằng 0.

Chiến lược gia thị trường Qi Gao của Scotiabank cũng bày tỏ, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc cũng là một nguyên nhân góp phần đẩy giá đồng USD lao dốc. "Trong những tuần tới, thế giới sẽ chứng kiến giá đồng USD tiếp tục giảm mạnh", ông Qi Gao khẳng định.

Theo ông Nordvig, thị trường quốc tế đã cảm nhận thấy nguy cơ lạm phát từ hàng loạt gói kích thích kinh tế giữa cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế toàn cầu. "Đà giảm của đồng USD sẽ kéo dài và thật khó để đoán khi nào nó dừng lại", ông dự báo.

Vàng tăng nóng, tương lai 3.500 USD/ounce

Trong khi giá đồng USD nguội đi, giá vàng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết, có những ngày thay đổi theo từng giờ. Ngày 27/7, kim loại quý này đã tăng lên mức cao 1.941,90 USD/ounce, ghi dấu mức tăng 7,2% tính đến thời điểm đó của tháng 7. Sang phiên 28/7, giá vàng lại leo lên mức chưa từng có 1.980,57 USD/ounce.

Giới phân tích cho rằng, nguy cơ lạm phát, giá đồng USD sụt giảm, hàng loạt gói kích thích kinh tế đã tiếp đà cho thị trường vàng tăng mạnh.

Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS dự báo, giá vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD vào cuối năm nay. Thậm chí, nhà phân tích thị trường Naeem Aslam của Avatrade dự đoán, giá vàng sẽ vượt ngưỡng 2.000 USD ngay trong tuần tới.

Trong trung hạn, triển vọng hồi phục nền kinh tế vẫn khó đoán định và có nhiều yếu tố rủi ro tạo động lực tăng trưởng cho các loại tài sản được đánh giá là “bến đỗ an toàn” và vàng là một trong số đó.

Giám đốc Chelsea Financial Services Darius McDermott đánh giá, khi lãi suất ở mức thấp, giá vàng có triển vọng tăng trưởng tốt. Hiện tại, môi trường lãi suất tại Mỹ thậm chí có thể xuống mức âm, điều đang diễn ra tại châu Âu và chính điều này càng tạo trợ lực cho đà tăng của giá vàng trong ngắn và trung hạn.

Cùng chung quan điểm, Giles Coghlan, chiến lược gia trưởng thị trường tiền tệ tại hãng môi giới HYCM nhận định, vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn được giới đầu tư tìm tới trong 3 cuộc khủng hoảng gần nhất là 1990-1991, 2001 và 2007-2009.

“Trong ngắn hạn, tôi đánh giá nhu cầu với vàng và các loại tài sản an toàn khác sẽ tiếp tục gia tăng, khi nhà đầu tư cần tìm biện pháp phòng hộ rủi ro. Với bối cảnh này, có nhiều lý do để tin giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce cho tới cuối năm”, Coghlan chia sẻ.

Giới phân tích cũng nhìn nhận, Fed đang có cuộc họp quan trọng trong hai ngày 28-29/7 (theo giờ Mỹ) và có thể công bố thêm một số biện pháp kích thích kinh tế mới. Đó sẽ là nguồn năng lượng mới của giá vàng thời gian tới.

Chủ tịch điều hành tại công ty Martin Place Securities Barry Dawes cho biết, điều thực sự đáng nói là giá vàng đã nhanh chóng vượt mức giá kỷ lục 1.923 USD. Giá vàng cũng từng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce một cách dễ dàng, do đó, mức giá 3.500 USD/ounce trong vòng 2 năm nữa là điều có thể xảy ra.

Còn theo ông Garth Bregman thuộc ngân hàng quản lý tài sản BNP Paribas, ở thời điểm hện tại, không thấy có chất xúc tác nào trong ngắn hạn để vàng ngừng tăng giá. Trong thực tế, các nhân tố đã đẩy giá vàng lên các mức cao mới này vẫn đang hiện hữu.

(tổng hợp)