Góp mặt tại sự kiện xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ với chủ đề Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam được tổ chức mới đây, ông Sai Ramana Ponugoti, Tổng giám đốc Tập đoàn P&G Việt Nam chia sẻ, dù chịu tác động không nhỏ từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng Tập đoàn này vẫn đảm bảo cung cấp sản phẩm cho tất cả người tiêu dùng và khách hàng trong thời điểm đầy thách thức này.
“Việt Nam đã thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine để kiểm soát dịch bệnh nên giúp kinh tế nhanh chóng quay lại hồi phục mạnh mẽ. Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và đưa nhà máy ở Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới”, người đứng đầu Tập đoàn P&G Việt Nam khẳng định.
Những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế thời gian qua đã giúp tăng niềm tin cho First Solar Việt Nam mở rộng đầu tư. (Nguồn: Nhịp cầu đầu tư) |
Vừa qua, First Solar Việt Nam cũng công bố kế hoạch mở rộng đầu tư với tổng giá trị 1 tỷ USD nhằm nâng cấp công nghệ cho nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Theo ông KJ Ung, Giám đốc First Solar Việt Nam, những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế hậu Covid-19 đã giúp tăng niềm tin cho doanh nghiệp và First Solar Việt Nam vẫn giữ kế hoạch mở rộng như dự tính.
Niềm tin của ông Sai Ramana Ponugoti hay ông KJ Ung cũng là niềm tin của rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đang lựa chọn ở lại và vững tin gắn bó với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Kỳ vọng ở những “cánh đại bàng”
Quan hệ Việt Nam-Mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ kể cả trong đại dịch và đây sẽ là tiền đề để thu hút thêm nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ “xứ cờ hoa”. Nhận định này đã được khẳng định tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham) tổ chức đầu tháng 12 vừa qua.
Các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại song phương và đầu tư Việt Nam - Mỹ đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Mỹ tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các khía cạnh hợp tác, Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam, hầu hết các Tập đoàn lớn của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
Tính đến tháng 11, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1.135 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD.
Một khảo sát của Amcham vừa công bố cho thấy, gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung lẫn dài hạn ở Việt Nam. Trong đó có gần 30% công ty Mỹ đánh giá rất khả quan về triển vọng trung và dài hạn, đồng thời có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, gần 50% đánh giá khả quan, dự định ở lại hoặc có thể đầu tư thêm.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam đánh giá đến thời điểm này, các công ty Việt Nam và thành viên AmCham đã vượt qua được khó khăn nhờ những nỗ lực của chính quyền để đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Dù mọi thứ chưa thể như trước nhưng các nhà đầu tư rất vui khi chính quyền biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư và có những điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Những chuyển biến tích cực này đã giúp các công ty quay lại hoạt động 100% công suất, các đơn hàng vẫn triển khai tốt.
“Chúng tôi nhìn thấy số lượng các thành viên AmCham tiếp tục tăng. Nhiều công ty bày tỏ mong muốn đầu tư thêm vào Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của ngành sản xuất, vì các công ty mong muốn đa dạng chuỗi cung ứng”, bà Mary Tarnowka khẳng định.
Còn theo GS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS), vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam giai đoạn gần đây đang gia tăng. Đáng chú ý, một số công ty xuyên quốc gia lớn quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. “Nếu các công ty này bước vào thị trường Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các công ty của Mỹ và các nước khác đến với Việt Nam”, ông Lợi cho hay.
Nhiều lĩnh vực tiềm năng
Chia sẻ về một số lĩnh vực có triển vọng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chỉ ra, đó là năng lượng, hàng không, y tế, công nghệ.
Thứ nhất là năng lượng tái tạo. Việt Nam đã cam kết mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu đầy tham vọng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam để đạt được những mục tiêu này.
“Dù đó là mục tiêu không hề dễ dàng, nhưng chính những thách thức đó sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp hai bên phát triển bền chặt”, bà Marie Damour cho hay.
Thứ hai là hợp tác về y tế. Đại diện các doanh nghiệp Mỹ cho rằng, dịch bệnh đã hé lộ nhiều khoảng trống trong lĩnh vực này, Mỹ đã và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hợp tác 2 bên sâu sắc hơn.
Nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam. (Nguồn: Tin nhanh Chứng khoán) |
Thứ ba là hợp tác về chuyển đổi số, với lợi thế sở hữu các công nghệ thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh..., nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang cung cấp công nghệ thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh... cho các đối tác tại Việt Nam.
Ngoài ra, triển vọng hợp tác về hàng không cũng rất lớn. Với các dự án mà Việt Nam đang triển khai như đầu tư sân bay Long Thành, doanh nghiệp Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cung cấp công nghệ ảo, đảm bảo an ninh hàng không, an ninh mạng, cung cấp các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này.
Bà Marie Damour cũng khẳng định, cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ đang rất lớn, nhất là sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Việt Nam vào cuối tháng 8/2021.
Các ưu đãi trực tiếp về thuế, phí, tiền thuê đất cũng như nhân công giá rẻ không còn là yếu tố được các nhà đầu tư Mỹ tìm kiếm. Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực Hội đồng kinh tế Mỹ - ASEAN, động cơ đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ đến từ tiềm năng tăng trưởng, dân số và sức mua của thị trường - đây cũng là những mặt lợi thế của Việt Nam.
Cùng với đó, một sân chơi công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư chất lượng cao.