Cuối tháng 12/2016, cựu Thủ tướng John Key từ chức, khiến chính trường New Zealand dậy sóng. Tận dụng cơ hội này, bà Ardern đã nhanh chóng chứng tỏ bản thân mình khi trở thành lãnh đạo Công Đảng hồi tháng Tám, đồng thời đưa đảng này đạt được số phiếu cao lịch sử trong cuộc bầu cử ngày 23/9. Tài năng, sự nhạy bén chính trị và một chút may mắn đã đưa bà Ardern trở thành nữ Thủ tướng tiếp theo của New Zealand khi chỉ mới 37 tuổi.
Nữ Thủ tướng đắc cử New Zealand Jacinda Ardern và tân Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. |
Ngoài bà Ardern, một chính trị gia trẻ tuổi và có thành tích nổi bật không kém là Thủ tướng đắc cử Sebastian Kurz của Áo. Chính trị gia 31 tuổi có biệt danh “Wunderwuzzi” (thần đồng) này đã khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi trở thành Ngoại trưởng năm 2013 khi mới 27 tuổi.
Không thể phủ nhận thực tế rằng làn sóng lãnh đạo trẻ đang trở thành một xu thế mới, Từ Pháp, Ireland, Estonia tới Canada, Bỉ, Hy Lạp, Malta, Luxembourg, Áo và New Zealand, cử tri đang đặt nhiều niềm tin vào những nguyên thủ với tuổi đời còn rất trẻ, thay vì các chính trị gia đứng tuổi với nhiều năm kinh nghiệm như trước. Vậy yếu tố nào đã dẫn đến sự chuyển biến này?
Những ngôi sao đang lên
Yếu tố đầu tiên lôi kéo các cử tri đến với những ứng cử viên này chính là sức trẻ và sự nhiệt huyết của họ. The Economist nhận định, ngay cả khi các nguyên thủ trẻ tuổi này chưa có bề dày kinh nghiệm cần thiết để dẫn dắt Chính phủ, hình ảnh nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng đã khiến họ nhận được sự ủng hộ của công chúng. Nhiều người cho rằng thế hệ lãnh đạo mới này mang đến một cảm giác mới mẻ về sức sống, đặc biệt là tại châu Âu, nơi được coi là "già cỗi" với những vấn đề như kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn nhập cư vẫn ám ảnh người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo trẻ biết cách xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng. Nổi bật trong số đó là Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng đắc cử New Zealand Jacinda Ardern. Hai nguyên thủ quốc gia này đã tận dụng mạng xã hội để truyền tải những thông điệp cá nhân tới cử tri. Theo The Guardian, nhiếp ảnh gia của ông Trudeau từng tốn nhiều giờ để chụp và chọn ra những bức ảnh ưng ý nhất để đăng lên mạng xã hội. Việc thường xuyên tiếp xúc với cử tri qua nhiều kênh khác nhau cho phép các nhà lãnh đạo trẻ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề kinh tế - xã hội còn tồn tại.
Quan trọng nhất, thế hệ lãnh đạo mới nhận được sự ủng hộ của cử tri không chỉ bởi sự nhiệt huyết trong công việc và thân thiện với người dân, mà còn vì tài năng và khả năng nắm bắt thời cơ của họ. Ông Sebastian Kurz tiếp quản vị trí Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo (OeVP) tháng 5/2017, sau nhiều năm đảng này “lép vế” trước Đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPO). Chỉ trong vòng năm tháng, vị thủ lĩnh trẻ tuổi đã thổi hồn và biến chính đảng lâu đời này trở nên trẻ trung, năng động và gần gũi với người dân hơn. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện mình là người rất biết nắm bắt thời cơ khi bày tỏ quan điểm về hạn chế người nhập cư tràn vào Áo, trong bối cảnh làn sóng bài nhập cư đang dâng cao tại đây. Những bước đi khôn khéo này đã góp phần to lớn trong việc đưa chính trị gia trẻ tuổi và chính đảng của mình đạt được chiến thắng lịch sử.
Kinh nghiệm và định kiến
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo trẻ này cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành lời hứa với cử tri. Một trong những cản trở lớn nhất mà họ phải đối mặt là định kiến của xã hội. Một nguyên thủ trẻ tuổi sẽ gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng nội các và giành được sự tôn trọng từ các quan chức lớn tuổi khác. Thực tế cho thấy nhiều người vẫn quan niệm một nhà lãnh đạo tốt không chỉ cần tài năng, mà còn phải sở hữu bề dày kinh nghiệm và sự chín chắn, thứ thường chỉ tìm thấy được ở những chính trị gia "lão làng".
Thật vậy, trong hồi ký Cuộc Hành trình của mình, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã thừa nhận kinh nghiệm là yếu tố then chốt trong lãnh đạo một quốc gia. Bước vào Số 10 phố Downing khi chỉ mới 44 tuổi, ông cho rằng mình đã phải “vật lộn” để làm quen với vị thế của người đứng đầu quốc gia. Thế nhưng đến lúc ông hiểu được cách để sử dụng quyền lực của mình, vị cựu Thủ tướng Anh lại cảm thấy bị gò bó trong khuôn khổ chính trị và chẳng còn mấy thời gian để hành động.
Có thể nói, chia sẻ của ông Tony Blair sẽ là bài học quý giá cho các nhà lãnh đạo trẻ đối mặt với sự thiếu hụt về kinh nghiệm trong thời gian đầu cầm quyền.