Nhỏ Bình thường Lớn

Chung tay thực hiện Tháng hành động vì môi trường năm 2023

Sáng 4/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề “ô nhiễm trắng” có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước.

Chung tay thực hiện Tháng hành động vì môi trường 2023
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Đặng Quốc Khánh, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện; nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo cònchưa hiệu quả, thiếu bền vững.

Ngoài ra, nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần cũng đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cũng nhấn mạnh biển và hải đảo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm, nguồn tài nguyên sinh vật và tạo ra nguồn sống cho hàng triệu người dân.

Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với thực trạng phát triển hiện nay, nhất là rác thải nhựa đại dương, nếu các quốc gia trên thế giới không có hành động nghiêm túc nào được thực hiện, đến năm 2050, có thể sẽ có nhiều nhựa hơn cá ở biển.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần chung tay hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

Trong đó, ông Khánh gợi mở một số giải pháp cần làm ngay như: Thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương; thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo; các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Cùng với đó, các địa phương cần tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.

Nhấn mạnh sử dụng bền vững biển và đại dương sẽ là “chìa khóa” để xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho người dân Việt Nam, bà Ramla Khalidi cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, trọng tậm là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển.

Chung tay thực hiện Tháng hành động vì môi trường 2023
Các đại biểu thu dọn rác thải nhựa tại khu vực làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Ramla Khalidi, quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam. Khi quy hoạch này được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã tham gia hoạt động trồng cây xanh để tôn tạo cảnh quan tại khu vực Quảng trường Bình Minh; trao tặng túi thuốc và 10.000 lá cờ đỏ sao vàng cho ngư dân bám biển của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; ra quân thu gom, dọn rác thải nhựa, làm sạch bãi biển tại làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò.

Đạo Hồi và 4 câu chuyện trong kinh Qur’an về việc bảo vệ môi trường

Đạo Hồi và 4 câu chuyện trong kinh Qur’an về việc bảo vệ môi trường

Cách đạo Hồi ủng hộ việc bảo vệ môi trường cùng với ý nghĩa của nó đã phát triển trong thời gian gần đây. Việc ...

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm Ngày Trái đất trên toàn cầu

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm Ngày Trái đất trên toàn cầu

Ngày Trái đất được tổ chức trên toàn thế giới vào 22/4, nhằm nâng cao nhận thức về môi trường và cam kết toàn cầu ...

ASEAN chung tay đẩy lùi khói mù xuyên biên giới

ASEAN chung tay đẩy lùi khói mù xuyên biên giới

Đại diện 5 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan dự ...

Tăng trưởng xanh hút vốn FDI

Tăng trưởng xanh hút vốn FDI

Vốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh tại Việt Nam đang tăng lên ngày càng nhiều ...

Sự kiện giới thiệu sách và làm đồ tái chế, nhằm nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường

Sự kiện giới thiệu sách và làm đồ tái chế, nhằm nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường

Viện Pháp tại Hà Nội và NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ giới thiệu bộ sách bảo vệ môi trường và workshop làm sản phẩm ...

(theo TTXVN)