Trên thực tế, dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,64% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (thời điểm lấy CPI bình quân làm thước đo lạm phát) và còn cách xa ngưỡng an toàn so với “room” dưới 4% mà Quốc hội cho phép, nhưng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cũng đã tiến hành nhiều giải pháp để đề phòng nguy cơ lạm phát quay trở lại. Song bối cảnh hiện tại đòi hỏi cần có thêm biện pháp để ứng phó với những tác động mới đến từ yếu tố khách quan.
Ngược dòng thời gian, trong 6 tháng đầu năm, khi CPI bình quân mới tăng 1,47%, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin rằng, khả năng kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4% là trong tầm tay. Thậm chí, nhiều tính toán đã đưa ra con số khá lạc quan là CPI năm 2021 chỉ cán đích xung quanh ngưỡng 2,12%; trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục leo dốc như trong 6 tháng đầu năm (tăng 10 lần), thì CPI năm nay cũng chỉ dao động ở mức 2,53%.
Tuy nhiên, “bóng ma” lạm phát đã lấp ló quay trở lại khi trong tháng 7/2021, CPI tăng 0,62% so với tháng 6; tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020 - đều là những con số tăng cao nhất nhì trong nhiều năm trở lại đây.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã chủ trì cuộc họp Ban Điều hành giá nhằm tìm ra các giải pháp ứng phó, giảm áp lực tăng giá lên thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đáng chú ý là bất chấp giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả, giá điện bình quân, xăng dầu… đều tăng. Có những loại hàng hoá, dịch vụ không quá quan trọng trong thời gian giãn cách, như thiết bị và đồ dùng gia đình, xà phòng, chất tẩy rửa, văn phòng phẩm… cũng tăng giá.
Chính phủ cũng đã tiên liệu lạm phát năm 2021 có thể ở mức cao bởi có rất nhiều nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát. Đó là kinh tế thế giới, sau khi giảm 3,9% trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 5,2% trong năm nay sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị hạn chế đang khiến phần lớn vật tư đầu vào, đặc biệt là xăng dầu tăng cao, thay vì giảm như năm 2020.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phi nguyên nhiên, vật liệu của các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU gia tăng, trong khi nguồn cung chủ yếu đang bị đứt gãy còn là nhân tố kéo mặt bằng giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng và hẳn nhiên sẽ tác động tới thị trường Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, CPI của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU… trong 7 tháng đầu năm 2011 đã tăng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Thay vì giảm 6,7% trong năm 2020, năm nay, theo dự báo, mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ước tăng 5,1%.
Vì vậy, Việt Nam có thể chấp nhận mức lạm phát năm 2021 cao hơn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,15%, nhưng nếu không giữ được ở mức tối đa 4% thì sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân.
Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện với mức độ rộng hơn, mạnh hơn các giải pháp đã áp dụng trong 7 tháng đầu năm. Đó là ngoài kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, miễn, giảm hơn 30 loại phí, lệ phí, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đại bộ phận doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng cho một số dịch vụ. Các ngành kinh tế khác như ngân hàng cũng đang có biện pháp giảm thêm lãi suất, cơ cấu lại nợ; ngành điện tiếp tục giảm tiền điện cho người tiêu dùng…
Những nỗ lực này sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhưng có thể chưa đủ mạnh để giữ được mức lạm phát dưới 4% trước những tác động khó dự báo từ các yếu tố khách quan bất khả kháng trên thị trường thế giới. Bởi vậy, để kiểm soát tốt lạm phát, giảm áp lực tăng giá những tháng cuối năm và đầu năm 2022, nhiều giải pháp mới đang được Bộ Tài chính (cơ quan thường trực giúp việc Ban điều hành giá) nghiên cứu.
Trước mắt là cân nhắc việc có điều chỉnh học phí theo lộ trình vào đầu năm học 2021-2022; chưa tăng giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; đẩy mạnh kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá….
Việt Nam là một nền kinh tế mở nên không thể tránh khỏi những tác động khách quan từ thị trường thế giới. Lúc này, cùng với nỗ lực ngăn chặn Covid-19 và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, việc tìm thêm giải pháp ứng phó trước những tác động bất lợi với quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% lại càng quan trọng.