Giám đốc ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries. (Nguồn: ADB) |
Bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, sự sụt giá đồng tiền và những thách thức khác, kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn tăng trưởng 8,02%. Đây là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và cao hơn mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 6-6,5%. Như vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất xứng đáng với kỷ lục tăng trưởng kinh tế này.
Triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi. Lạm phát tiếp tục gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế do giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao. Giá dầu, khí đốt và lương thực toàn cầu đã giảm so với mức đỉnh vào đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn so với đầu năm 2022. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ cũng như khu vực đồng euro vào năm 2023 và khu vực này có thể trải qua một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Sự phục hồi của châu Á dự kiến sẽ tiếp tục, nhưng bị giảm sút một chút động lực. Lạm phát toàn phần ở châu Á đang phát triển vẫn đang tăng so với đầu năm 2022. Các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất chính sách, cố gắng kiềm chế lạm phát và bảo vệ sự ổn định tài chính. Điều này đã thắt chặt các điều kiện tài chính trong khu vực, vốn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc tăng lãi suất mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Với bối cảnh trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP năm 2022 ở châu Á đang phát triển xuống 4,2%, phản ánh sự điều chỉnh giảm đối với Đông Á, đặc biệt là với Trung Quốc - nơi mà tình trạng gián đoạn do đại dịch và các vấn đề chưa được giải quyết trên thị trường bất động sản đã làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực Đông Nam Á năm 2022 lên 5,5% từ các dự báo cao hơn cho Malaysia, Philippines, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam sau những hoạt động kinh tế mạnh mẽ đáng kinh ngạc của các quốc gia này trong các quý vừa qua nhờ sự phục hồi mạnh của các lĩnh vực tiêu dùng, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch.
Tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế đã phục hồi nhanh hơn dự kiến sau khi các biện pháp hạn chế để phòng, chống Covid-19 được dỡ bỏ và đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên toàn quốc. Hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực đã thúc đẩy nền kinh tế của đất nước và tăng trưởng phục hồi lên 8,8% trong 3 quý đầu năm và tiếp tục diễn ra vào cuối năm 2022.
Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 10,6% và 8,4% so với năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng mạnh, ước đạt gần 22,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Di chuyển bình thường trở lại đã thúc đẩy du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt khách trong năm 2022, cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Do tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao, nên ảnh hưởng của lạm phát và các yếu tố khác đến nền kinh tế Việt Nam ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam là 43% - tương đối thấp và điều này đã tạo nên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc của Việt Nam.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là vững chắc. Nhiều quốc gia khác trong khu vực không chống chọi được tốt như Việt Nam trước những thách thức và cú sốc kinh tế toàn cầu này. Tuy nhiên, “những cơn gió ngược” đang mạnh lên kể từ quý IV/2022.
Mặc dù thương mại tiếp tục mở rộng, nhưng các chỉ số kinh tế chính cho thấy, nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu. Số lượng đơn đặt hàng mới có thể giảm vào đầu năm 2023. Việc làm cũng có thể giảm do các hoạt động kinh tế suy giảm. Việc thắt chặt tiền tệ gần đây, những bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và việc chậm giải ngân đầu tư công đã thắt chặt thanh khoản để phục hồi kinh tế.
Lạm phát cao ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác dù giảm nhẹ vào tháng 11/2022, nhưng có thể kéo dài chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại. USD tăng giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền Việt Nam, tạo áp lực lạm phát và gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Tình hình ngày càng xấu đi ở Liên bang Nga và Ukraine có thể làm tăng mạnh giá cả hàng hóa, tiếp tục gây ra lạm phát toàn cầu và thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Trong bối cảnh đó, dự báo tăng trưởng của ADB cho Việt Nam năm 2023 được điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống 6,3%.
Việt Nam tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mạnh mẽ như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Lạm phát toàn cầu vẫn còn nhiều áp lực. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và nhu cầu năng lượng gia tăng từ việc nới lỏng các hạn chế đi lại của Trung Quốc có thể đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Do đó, các phản ứng chính sách đối với Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính.
Năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa thận trọng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2023.
Trong khi các biện pháp tiền tệ đã được thắt chặt để ngăn chặn lạm phát nhập khẩu, thì việc hỗ trợ tài chính có mục tiêu trở nên cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và tăng cường bảo trợ xã hội trong bối cảnh tác động tiêu cực ngày càng tăng đối với lực lượng lao động do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, cũng có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023. Bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức và thị trường chứng khoán biến động, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã ngang bằng với mức tăng trưởng cao trước đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn phục hồi mạnh mẽ, thậm chí đã tăng lên.
Không còn nghi ngờ gì nữa, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn rất tích cực. Các nhà đầu tư nước ngoài thường nghĩ về dài hạn khi họ đầu tư và chúng tôi ghi nhận rằng, Việt Nam tiếp tục được quan tâm mạnh mẽ như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Điều đó chứng tỏ rõ ràng sự tin tưởng lâu dài của các nhà đầu tư đối với Việt Nam.
Với những nền tảng kinh tế vững chắc và điều hành kinh tế hiệu quả của Việt Nam, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể đương đầu với “những cơn gió ngược” vào năm 2023 và xa hơn nữa. Là một đối tác phát triển đáng tin cậy, ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khi cần thiết.