Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. |
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết từ năm 2007 cả nước đã thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu của doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa” liên thông. Theo cơ chế này, tổ chức, cá nhân đăng lý thành lập doanh nghiệp chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất, tại một đầu mối tiếp nhận duy nhất để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và một mã số doanh nghiệp duy nhất trên một quy trình chuẩn thống nhất trong phạm vi cả nước. Cơ chế một cửa đã giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện 3 thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống còn tối đa 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến nay).
Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, công tác đăng ký kinh doanh vẫn tồn tại một số hạn chế cả về quy định pháp lý và tổ chức thực hiện, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm tính chủ động, linh hoạt, hạn chế cơ hội kinh doanh cũng như cản trở quá trình rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thành lập, giải thể doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã đưa ra một loạt các kiến nghị để giảm thủ tục cũng như thời gian. Chẳng hạn giải pháp liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu dự kiến sẽ giảm được 50% số thủ tục và thời gian khởi sự doanh nghiệp chỉ còn 5 ngày thay vì 16 ngày, tương đương với các nước trong OECD (5 ngày); cao hơn các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7 ngày), ASEAN + Trung Quốc và Timor Leste (9 ngày).
Tại cuộc làm việc, ý kiến của các Bộ Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Công an cho thấy nếu tiếp tục rà soát thì có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa nhiều thủ tục và quy trình khác liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Chẳng hạn như thực hiện mua hóa đơn trong 1 ngày theo Quy định của Nghị định 51; bỏ thuế môn bài; bỏ quy định mua hóa đơn và nộp thế đối với người cho thuê nhà (cả nước hiện có khoảng 85.000-90.000 người cho thê nhà); giảm thủ tục và cải tiến quy trình thủ tục liên quan đến đất đai; giảm thời gian tiếp cận điện (giảm từ 132 ngày xuống 37 ngày)…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát thể chế liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh; đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh; giải thể doanh nghiệp, “cương quyết giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục ngay trong năm 2014, tức giảm từ bình quân 4 ngày hiện nay xuống còn 2 ngày”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các quy định liên quan như thủ tục thành lập công đoàn; thủ tục về hóa đơn thuế, thuế môn bài của Bộ Tài chính; thủ tục khắc dấu, đăng ký dấu, thủ tục về phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an; thủ tục tiếp cận điện của Bộ Công Thương; thủ tục đánh giá tác động môi trường, việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thủ tục không cần thiết, hoặc nếu không cắt giảm thủ tục thì phải giảm thời gian làm thủ tục. Một nội dung mà Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành là việc rà soát tất cả các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm… Thủ tướng cho rằng rất nhiều quy hoạch hiện nay chất lượng kém, chồng chéo, phi thị trường và không cần thiết, đây cũng là một cản trở cho hoạt động ra nhập thị trường, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, Thủ tướng đề nghị sau khi rà soát, đánh giá, các Bộ, ngành cần đề xuất thành các quy định trong Luật, trong đó có Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); quy định trong Nghị định, Thông tư và Thông tư liên tịch. “Chúng ta không thể chỉ mong muốn, kêu gọi mà ý chí của chúng ta phải thể hiện bằng luật pháp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và cho rằng việc quy định trong luật cũng phải đảm bảo rõ ràng, thuận lợi, công khai, minh bạch. “Cái nào cấm phải nói rõ là cấm, cái nào là kinh doanh có điều kiện phải nói rõ các điều kiện; trong kinh doanh có điều kiện hay điều kiện kinh doanh, cái nào thực hiện tiền kiểm, cái nào hậu kiểm phải hết sức rõ ràng, minh bạch”.
Anh Sơn