📞

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng: Có thực sự hiệu quả?

16:21 | 20/07/2023
Để giải quyết sở hữu chéo, chuyên gia cho rằng cần có sự giám sát, quy định những chế tài dẫn tới tương ứng với những tỷ lệ bị vi phạm, nếu có dấu hiệu lừa dối thì xử lý hình sự.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó vấn đề giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15% được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định việc đưa ra các quy định nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, giảm tỷ lệ cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của tình trạng sở hữu chéo…

Tình trạng sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay "sân sau"... đang diễn biến phức tạp. (Nguồn: TTXVN)

Liệu có hạn chế được tình trạng sở hữu chéo?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm mục tiêu hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Quốc hội khóa XI băn khoăn vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần?

Theo ông Thanh, cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra được lý giải thuyết phục về cơ sở cho những con số này hay tác động tiêu cực của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng, mà chỉ với lập luận rằng, nó là đặc thù Việt Nam.

Thực tế, trên thế giới không có luật ngân hàng nào đề cập chống sở hữu chéo như ở Việt Nam. Các quy định chống sở hữu chéo theo các thông lệ quốc tế cũng không thấy đề cập về tỷ lệ như trên. Quan trọng nhất, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên tuân thủ thông lệ quốc tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi, từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn và thực sự hiệu quả.

Cũng theo ông Thanh, việc hạ tỷ lệ sở hữu này chỉ mới giải quyết được vấn đề "bề nổi," là giải pháp có tính thụ động, mà chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng đòi hỏi cơ quan quản lý phải bảo đảm công khai, minh bạch, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh cho rằng chống sở hữu chéo không phải là tỷ lệ sở hữu cổ phần 5% hay 3%, mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai để biết được pháp nhân liên quan cũng như chi phối tổ chức hoạt động ngân hàng. Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình.

Theo ông Thanh, sở hữu chéo là một mục tiêu di động, thậm chí tàng hình. Để đối phó với mục tiêu di động, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng “nòng pháo” đến điểm tựa cố định là hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, dẫn đến kết quả là trượt mục tiêu.

“Dường như sở hữu chéo chỉ là 'đặc sản' của Việt Nam. Đó là vì Luật Ngân hàng và các đạo luật khác có liên quan ở nhiều nước tìm cách hướng đến thiết lập một mạng lưới phòng ngừa rủi ro từ sớm, từ xa dày đặc để bắt lưới sở hữu chéo. Thậm chí ở hầu hết các nước, như Mỹ, Anh, Trung Quốc… đều thành lập mô hình song đỉnh (peak twin) đặt ngân hàng dưới sự giám sát không chỉ của Ngân hàng Trung ương, mà còn ở một tổ chức giám sát thận trọng khác.

Luật ở các nước khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa vì nguyên tắc chống độc quyền, chứ không tìm cách giảm thấp tỷ lệ này xuống để xử lý sở hữu chéo như ở nước ta. Luật nhiều nước thậm chí cho phép một cá nhân và những người có liên quan có thể sở hữu cổ phần lên đến trên hơn 20% và họ chỉ cần nắm người đứng đầu,” ông Thanh nhấn mạnh.

Gây hệ luỵ đến TTCK

Theo ông Thanh, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ có những hệ lụy có thể xảy ra trên thực tế, tác động “tiêu cực” đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Ông Thanh lý giải thêm hiện nay trên thị trường, vốn hóa của các ngân hàng ngày càng lớn, nhiều ngân hàng thương mại đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và đã có vốn hóa vượt 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam lại chưa được cải thiện. Điều này dẫn đến thị trường không thể hấp thu lượng vốn khổng lồ từ giảm tỷ lệ sở hữu và việc giảm tỷ lệ sở hữu đồng loạt của các tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ có những hệ lụy có thể xảy ra trên thực tế, tác động “tiêu cực” đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. (Nguồn: TTXVN)

Hơn nữa, quy định này tại dự thảo luật là chưa thống nhất với khái niệm cổ đông lớn được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật. Theo đó, Điều 4 đưa ra định nghĩa "cổ đông lớn là cổ đông nắm giữ 5% vốn của tổ chức tín dụng." Khi đối chiếu với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sẽ thấy cổ đông lớn có nghĩa vụ công bố thông tin, góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Vì vậy, khi dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông xuống 3% thì có nghĩa họ không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông lớn, như vậy có bảo đảm mục tiêu công khai, minh bạch hay không?

Ngoài ra, quy định này có thể tạo nên sự phân tán vốn từ cổ đông lớn của một ngân hàng sang các ngân hàng khác, sau đó hình thành liên minh những cổ đông lớn của các ngân hàng, có nguy cơ dẫn đến triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng, thị trường không còn sự cạnh tranh lành mạnh.

Cần có sự giám sát chặt chẽ

Do đó theo ông Thanh, để giải quyết trúng vấn đề, nên đặt lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, quy định những chế tài dẫn tới tương ứng với những tỷ lệ bị vi phạm, những người vi phạm mức độ nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nếu có dấu hiệu lừa dối thì xử lý hình sự.

"Thậm chí, những ngân hàng không khai báo trung thực nên bị rút giấy phép hoạt động. Cần giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thức kinh tế, chế tài kinh tế," ông Thanh nói.

Mặt khác, cần có đánh giá về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện giám sát chung thị trường tài chính quốc gia...; đặt tổ chức tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương đồng thời với tổ chức giám sát khác.

“Cùng với việc làm tốt thanh tra, kiểm tra và xử lý hoạt động tín dụng thì cơ quan quản lý cũng cần thực hiện nghiêm, bảo đảm công khai, minh bạch các giao dịch. Quy định theo hướng này sẽ không nhất thiết giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, room cấp vốn, thậm chí cho room cấp vốn cao hơn để các tổ chức, cá nhân không thể thực hiện các hành vi sở hữu chéo giữa doanh nghiệp của họ và ngân hàng. Song song đó là các biện pháp chế tài mạnh để xử lý nghiêm các hành vi sai phạm,” Phó giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh khuyến nghị.

(theo TTXVN)