Ngày 21/9, Trưởng đoàn đàm phán của 11 quốc gia thành viên còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục cuộc gặp tại Tokyo (Nhật Bản) để bàn cách cứu thỏa thuận này, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định.
Nhật theo đuổi đến cùng
Với Tokyo, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược. Bởi vậy, với tần suất khá dày, chỉ ba tuần sau cuộc họp vừa diễn ra tại Australia từ ngày 28-30/8, Nhật Bản – nền kinh tế đầu tàu sau khi Mỹ rút khỏi TPP - đã sốt sắng đề xuất cuộc họp tiếp theo này. Quyết theo đuổi TPP đến cùng, Tokyo cho rằng cần phải nhanh chóng thúc đẩy các nỗ lực, ít nhất là xác định những điều khoản nên được gác lại.
Trong cuộc thảo luận về TPP 11 ở Australia, các nước thành viên đã đề xuất tới 50 điều khoản mà họ cho là cần được tạm gác. Tuy nhiên, các nước cũng mới chỉ đạt được đồng thuận về hai điều, gồm kéo dài thời gian bảo hộ dữ liệu thuốc sinh phẩm và bảo hộ bằng sáng chế. Những đề xuất khác tiếp tục đòi hỏi phải bàn bạc kỹ lưỡng hơn, trong đó bao gồm các điều khoản về doanh nghiệp nhà nước và đàm phán định kỳ đối với chính TPP.
Theo Nikkei, hôm 15/9, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố thông tin về cuộc đàm phán tiếp theo này. Theo đó, cuộc gặp gỡ của 11 thành viên TPP còn lại tại Tokyo có thể sẽ tập trung bàn về những điều khoản nào sẽ tạm dừng. Trong đó, một số điều khoản thỏa thuận mà Mỹ từng theo đuổi trước kia được tạm dừng, với kỳ vọng Washington sẽ quay trở lại Hiệp định trong tương lai.
Như vậy, cuộc họp ở Tokyo lần này được coi là thành công nếu 11 nước thành viên đưa ra được đề xuất của mình và nhất trí về các điều khoản cần “đóng băng”. Đây là trở ngại đầu tiên, nếu các nước vượt qua được sẽ mở đường cho các nhà đàm phán quay trở lại với những vấn đề khó hơn trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 10, chẳng hạn như rà soát quy định về loại bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may...
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết: “Chúng tôi hy vọng cuộc họp lần này sẽ đạt được bước đi lớn, tiến tới một kết quả tốt đẹp tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11”.
Mỹ rút khỏi TPP không có nghĩa là họ quay lưng lại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: Asiancorrespondent) |
“Chúng tôi muốn có thương mại tự do, công bằng và đảm bảo thị trường hiệu quả hơn trên thế giới. Đó không chỉ là mục đích của Mỹ mà còn của cả APEC, WTO”, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói. Đó cũng là lý do ông Lighthizer khẳng định sự tham gia của Mỹ với khu vực và APEC đã giúp tạo ra sự đồng thuận về thương mại quốc tế, công bằng và cũng là mục tiêu mà Mỹ muốn thúc đẩy. |
Mỹ không bỏ châu Á - Thái Bình Dương
Trên thực tế, với khung hoạt động hiện tại, TPP không thể tồn tại mà không có sự tham gia của Mỹ. Các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể cả Mỹ, đều nhất trí rằng tự do thương mại và hội nhập khu vực là những phương pháp hữu hiệu để kích thích trao đổi hàng hóa và đầu tư. Hơn thế nữa, các tiêu chuẩn mới liên quan đến quy tắc thương mại hiện đại trong những lĩnh vực như năng lượng, thương mại điện tử và các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… trong TPP được cho là đã có những bước tiến đáng kể so với các hiệp định nhiều thiếu sót mà các quốc gia thành viên đang tham gia.
Nhưng dù được TPP 11 để ngỏ cơ hội, song Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng khẳng định rõ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không thay đổi quan điểm và quyết định của mình với TPP. Tuy nhiên, theo ông Robert Lighthizer, quan điểm Washington là TPP không đáp ứng cho lợi ích của Mỹ, không có nghĩa là họ quay lưng lại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không tham gia vào khu vực này.
“Là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhất của khu vực, Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục hợp tác với các thành viên của khu vực ở kênh song phương, bởi điều đó sẽ mang về lợi ích công bằng hơn cho nước Mỹ”. Đại diện Thương mại Mỹ đã nói về chính sách thương mại Mỹ như vậy khi ông tới tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT 23) hồi tháng Năm tại Hà Nội.
Cũng tại Hội nghị này, ông Lighthizer tuyên bố, việc Washington triển khai những biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hình thức thương mại bất công không nên đánh đồng với chủ nghĩa bảo hộ.
Quan điểm, tầm ảnh hưởng và nhu cầu riêng của Mỹ càng khiên dư luận quan tâm đến việc liệu TPP có thể hồi sinh với phiên bản chỉ 11 nước tham gia hay không. Những người ủng hộ Hiệp định lo ngại cuộc đàm phán TPP 11 sẽ bị cản trở bởi không chỉ những lý do khách quan, mà các thành viên từng đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường lớn nhất này cũng sẽ khó đạt được nhất trí ở nhiều vấn đề.
Cho tới nay, một số quốc gia thành viên giữ lập trường đàm phán lại nội dung TPP 11 vẫn chưa hoàn tất thủ tục để trao quyền đàm phán cho chính phủ. Hay cuộc tổng bầu cử ở New Zealand vào ngày 23/9 cũng làm dấy lên lo ngại vì mức độ ủng hộ ngày càng lớn hơn của cử tri nước này dành cho Công Đảng đối lập - đảng phát tín hiệu muốn nước này rời khỏi TPP…
Tuy nhiên, nếu đàm phán tại Nhật Bản ngày 21/9 diễn ra suôn sẻ đúng như mục tiêu mà nước chủ nhà Nhật Bản đề ra, thì vẫn chưa có gì đảm bảo cho tương lai TPP 11. Lúc những vấn đề gai góc như thuế quan và hạn ngạch, hay những vấn đề nhạy cảm khác… được đưa ra bàn đàm phán lại mới là khi những khó khăn thực sự bắt đầu.