Giáo hoàng Francis cầm trên tay khẩu hiệu: “Đây là thời điểm thích hợp để Argentina và Anh đối thoại về Malvinas”. (Nguồn: AFP) |
Vốn là người Argentina nhưng trước đó, Giáo hoàng đã từ chối tham gia vào tranh chấp này khi Tổng thống Argentina Cristina Kirchner nhờ ông can thiệp hồi tháng Ba năm nay. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, ông không đồng tình với quan điểm của Giáo hoàng Francis về vấn đề quần đảo Malvinas (mà người Anh thường gọi là Falklands).
Anh và người dân trên quần đảo Malvinas đã bác bỏ kêu gọi đối thoại và cho rằng vấn đề chủ quyền của nước này tại đây là đương nhiên, không phải bàn cãi. Trước đó, trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2013, người dân sống trên quần đảo cũng đã bỏ phiếu ủng hộ Anh.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố: “Chủ quyền của Anh đối với quần đảo Malvinas và các vùng lãnh hải xung quanh là vấn đề không phải bàn cãi. Người dân đảo Malvinas có quyền quyết định tương lai của chính họ. Đó là quyền tự quyết được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.
Trong khi đó, Argentina đã nhiều lần kêu gọi một cuộc thảo luận song phương giữa London và Buenos Aires về vấn đề này. Argentina lập luận căn cứ theo Nghị quyết 2065 của Liên hợp quốc từ tháng 12/1965. Trong đó có đoạn, “yêu cầu chính phủ Argentina và Anh tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Malvinas (Falklands)”. Vào ngày kỷ niệm lần thứ 50 ngày Nghị quyết ra đời, chính phủ của Tổng thống Cristina Kirchner đã trích dẫn Nghị quyết để đưa vào khẩu hiệu trong chiến dịch của mình.
Anh đóng quân trên quần đảo Malvinas từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh, nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó bị đánh bại. Trong những năm gần đây, dưới thời Tổng thống Cristina Kirchner, tranh chấp dai dẳng giữa Argentina và Anh về chủ quyền quần đảo này lại gia tăng.
Trang Trần (theo Telegraph)