📞

Giao thương hậu Brexit: Câu chuyện cảng Dover

14:08 | 13/04/2017
Trong khi hàng hoá từ Liên minh châu Âu nhẹ nhàng thông quan, hàng hóa đến từ nơi khác phải chờ đợi rất lâu tại cảng Dover, miền Nam nước Anh. Tuy nhiên, những ưu tiên này sẽ chấm dứt với Brexit.

Đối với đa số người Anh, những vách đá ở Dover là biểu tượng của sự độc lập và kiên cường, đặc biệt là đối với những cuộc xâm lược từ phía lục địa. Tuy nhiên, đứng trên đỉnh vách đá nhìn xuống, người ta còn có thể thấy một trong những câu chuyện thành công vĩ đại của quá trình hội nhập của Anh vào châu Âu: các bến cảng Đông Dover.

Phía Đông tươi sáng

Bến cảng ở phía Đông thành phố Dover là chiếc cầu nối giao thương của Anh với Liên minh châu Âu (EU). Tổng giá trị hàng hoá lưu thông qua đây mỗi năm lên đến 150 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Anh. Mỗi ngày, bến cảng có thể tiếp nhận tới 10.500 chiếc xe tải chở hàng hoá. Cách đó một vài dặm, ở đường hầm eo biển Anh, cũng có tới 6.000 xe tải lưu thông mỗi ngày.

Vậy nhưng, sự chậm trễ hiếm khi xảy ra ở đây bởi Anh là thành viên của EU – khối thị trường thống nhất và liên minh thuế quan. Điều này đồng nghĩa với việc gần như không có giấy tờ, thủ tục hải quan nào ngăn cản luồng hàng hoá ra vào tại bến cảng.

Liên minh hải quan đã đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động giao thương của Anh với các nước thành viên EU. Sự luân chuyển hàng hoá dễ dàng thúc đẩy hoạt động giao thương ngày càng phát triển hơn. Bằng chứng là lượng xe tải ra vào hạt Kent ở Anh đã tăng gấp 4 lần kể từ khi các hàng rào thuế quan trong EU được gỡ bỏ vào năm 1992.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của Anh đã sử dụng hệ thống phân phối hàng hoá 24/24h để áp dụng mô hình “sản xuất tức thời” (đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết), giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí hàng tồn kho và thuê kho bãi. Có thể lấy thương hiệu Mini của BMW làm ví dụ. Các mẫu xe Mini chủ yếu được sản xuất theo yêu cầu và mỗi khách hàng sẽ tự lựa chọn đồ nội thất trang trí cho xe. Với mô hình “sản xuất tức thời”, công ty sẽ chỉ cần lên kế hoạch sản xuất 1 tuần trước khi các bộ phận của xe được chuyển đến.

Cảng Đông Dover tại Anh là một trong những cảng bận rộn nhất trên thế giới. (Nguồn: Geograph)

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi. Trong vòng 2 năm tới, Anh sẽ rời EU. Với lựa chọn “Brexit cứng” của Thủ tướng Theresa May, điều này cũng có nghĩa các rào cản thuế quan sẽ được áp dụng trở lại, gây cản trở việc luân chuyển hàng hoá tại các bến cảng.

Phía Tây mịt mờ

Để có thể hình dung hoạt động giao thương tại Anh hậu Brexit, hãy ghé thăm các bến cảng ở phía Tây thành phố Dover. Đây là nơi hàng ngày khoảng 500 xe tải đến từ các quốc gia ngoài EU tới làm thủ tục hải quan. Đối với những nước có quan hệ giao thương chặt chẽ với Anh như Thụy Sĩ, các thủ tục hải quan này thường kéo dài khoảng 20 phút đến 1 giờ. Còn với các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn.

Điều này sẽ là cơn ác mộng đối với hoạt động kinh doanh tại Anh. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ không thể áp dụng mô hình sản xuất tức thời, thực phẩm xuất nhập khẩu có thể dễ dàng bị hỏng trong quá trình chờ đợi, nhất là khi các thủ tục hải quan sẽ phải lặp lại khi qua phía Pháp. Trong khi đó, các công ty vận tải của Ireland hết sức lo ngại vì 80% hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ của Ireland sẽ phải đi qua Anh, và điều này đồng nghĩa họ có thể phải tiến hành các thủ tục khai báo hải quan tận 4 lần.

Bên cạnh đó, hệ thống khai báo hải quan đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (CHIEF) của Hải quan Anh sẽ được thay thế vào tháng 3/2019, trùng với thời điểm hoàn tất quá trình Brexit. Hệ thống mới được thiết kế để giải quyết 60 triệu tờ khai hải quan mỗi năm giờ đây sẽ phải tăng lên khoảng 300 triệu tờ. Kế hoạch của chính phủ dường như đang gặp rắc rối. Chủ tịch Ủy ban tài chính Nghị viện Anh Andrew Tyrie cảnh báo rằng nếu kế hoạch này thất bại hoặc bị trì hoãn, hậu quả sẽ hết sức khôn lường, đặc biệt đối với hoạt động giao thương của Anh.

Cảng Tây Dover nhìn từ trên cao. (Nguồn: KentRail)

Ngay cả khi hệ thống mới hoạt động, các doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm nhập các dữ liệu phức tạp. Bên cạnh đó, hiện chỉ có 24 cơ quan hải quan đang hoạt động tại Dover. Theo ông Michael Lux, người từng làm ở Ủy ban châu Âu về vấn đề hải quan, ngay cả khi Anh có thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do với EU, bất kỳ thỏa thuận giao thương nào cũng đòi hỏi việc thực hiện các thủ tục hải quan. Do đó, số lượng nhân viên hải quan có thể sẽ phải tăng gấp đôi. Và tất cả những điều này sẽ khiến phát sinh thêm nhiều chi phí của cả doanh nghiệp và chính phủ.  

Nhớ lại vụ việc vào mùa hè năm 2015, khi các đơn vị quản lí khai thác bến phà của Pháp đồng loạt đình công, đường cao tốc M20 đã biến thành một “bãi chứa” xe tải và sự trì hoãn này gây thiệt hại tương đương 26 triệu USD cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, chỉ một trục trặc nhỏ nhất trong việc giải quyết thủ tục hải quan có thể khiến các xe tải bị ùn ứ trên đường tới Dover.

Nếu Thủ tướng May vẫn tiếp tục lựa chọn phương án “Brexit cứng” và kế hoạch nâng cấp hệ thống khai báo hải quan không được cải thiện nhanh chóng thì mùa hè 2019 ở Anh có thể sẽ trở nên hết sức hỗn loạn.

(theo The Economist)