Cuối thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha du nhập cây khoai tây từ Nam Mỹ vào châu Âu. Đến nay, gần 1/3 sản lượng khoai tây toàn thế giới lại được thu hoạch ở Ấn Độ và Trung Quốc. Cây cà phê bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và đến năm 1888, đồn điền cà phê đầu tiên của người Pháp được lập ở Việt Nam. Cây cao su ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng mưa Amazon, năm 1897 mới xuất hiện ở Việt Nam. Bây giờ, khoai tây, cà phê, cao su... trở nên quen thuộc với người Việt đến mức ít ai để ý chúng là những cây ngoại nhập.
Cây của người nghèo
Tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vừa diễn ra một chương trình an sinh xã hội mang tên khá lạ “Gieo mầm sachi - chắp cánh ước mơ”. Từ trước đến nay, với người Phú Thọ, “chắp cánh ước mơ” thường được hiểu là các chương trình khuyến học.
Để góp phần đền đáp quê hương đã nuôi dưỡng mình trưởng thành, mấy năm trước, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng – cậu học trò nghèo huyện Cẩm Khê đã có sáng kiến đề xuất xây dựng Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ - vận động nguồn quỹ lên tới hàng chục tỷ đồng, giúp nhiều học sinh quê nghèo lập thân, lập nghiệp.
Lần này về quê, chương trình “Gieo mầm sachi - chắp cánh ước mơ” của anh không dành cho học sinh mà dành cho cha mẹ học sinh, những người nông dân bên bờ sông Thao. TS. Hưởng tâm sự, anh sinh ra trên mảnh đất “trung du toàn tính” với sắn, tre, chè và cọ. Bây giờ có dịp đi đây đi đó, thấy nhiều nơi đất đai nghèo kiệt mà dân vẫn khấm khá nhờ trồng các loại cây có giá trị.
Sau khi tìm hiểu đặc điểm sinh học của cây sachi, điều kiện thực tại của quê hương và tham vấn các nhà khoa học hàng đầu, anh đã mua 200 kg hạt sachi về tặng cán bộ và người dân 30 xã của huyện Cẩm Khê, huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.
Cứ một lạng hạt sẽ trồng được 200 cây. Trước mắt bà con trồng ở bờ rào hoặc cho leo giàn. Được biết cây sachi trồng bốn tháng bắt đầu ra hoa, đậu quả và cho thu hái quanh năm. Rau sachi xào ngon hơn ngọn su su, quả non nấu chín ngon như mướp đắng, quả già lấy hạt, nhiều chất bổ dưỡng hơn hạt lạc. Sachi là loại cây trồng lâu năm, thân leo hóa gỗ, trồng một lần thu hoạch tới 30 năm, đúng là “cây của người nghèo”.
Thu hoạch rau, quả sachi không thực hiện được bằng máy móc, cơ giới hóa hay tự động hóa mà đòi hỏi lao động chân tay khéo léo nên các nước giàu không đầu tư nhiều cho trồng sachi và đó chính là cơ hội cho các nước nghèo. Sachi có khả năng mọc trên nhiều loại đất, trừ đất trũng. Cây dễ trồng, phương thức trồng đa dạng, từ trồng thuần đến thâm canh, xen canh, quảng canh nên rất thuận lợi cho người nông dân.
Chương trình an sinh xã hội “Gieo mầm sachi - chắp cánh ước mơ”. |
“Vua của các loại hạt”
Cùng tham dự chương trình “Gieo mầm sachi - chắp cánh ước mơ” có các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của đất nước. Giới thiệu với cán bộ và nhân dân địa phương, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết cây sachi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được thổ dân sử dụng từ 3.000 năm nay.
Sachi là cây trồng đa tác dụng, là cây nông, lâm nghiệp, cây dược liệu và lấy dầu có giá trị dinh dưỡng và thương mại rất cao. Hạt sachi thương phẩm hiện có giá 60-80 nghìn đồng/kg, hạt giống nhập khẩu giá lên tới hàng triệu đồng/kg.
Phân tích thành phần dưỡng chất của sachi, các nhà khoa học ngày nay đã hiểu vì sao người Inca ở Nam Mỹ tôn sùng hạt sachi là “vua của các loại hạt”. Hạt sachi được coi là một siêu thực phẩm của thế giới với giá trị dinh dưỡng vượt trội. Hàm lượng Omega 3 trong hạt sachi cao gấp 17 lần so với cá hồi hoang dã và đặc biệt là không hề có vị tanh. Trong hạt sachi có chứa bộ ba axit béo không bão hòa là Omega 3 (49%), Omega 6 (37%) và Omega 9 (7%). Hàm lượng protein ở hạt sachi lên tới 33%. Dầu chiết xuất từ hạt sachi gấp 49 lần dầu ô liu, đã vượt qua các rào cản kỹ thuật cực kỳ khắt khe để trở thành sản phẩm được yêu thích nhất tại các nước Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, sachi trồng ở nước nghèo nhưng lại được các thị trường cao cấp lựa chọn.
Bốn nhà ba hiệu quả
Cũng theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, sachi là cây nhiệt đới rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam. Những cây quý khác như sâm, mắc ca đòi hỏi khí hậu lạnh nhưng với sachi thì khác. Những ngày lạnh nhất hoặc nóng nhất ở miền Bắc không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển bởi sachi có thể sinh sống tốt ở nhiệt độ từ 7-48 độ C.
Các tỉnh phía Bắc đã thí điểm trồng sachi đạt kết quả khả quan là Hòa Bình, Thái Bình, Thái Nguyên và Sơn La. Với đặc thù là ra hoa kết quả quanh năm nên cứ khoảng 3-5 ngày lại cho thu hoạch một đợt. Bắt đầu từ năm thứ ba, sản lượng đạt 5-7 tấn hạt/ha. Với mức đầu tư từ 50 - 130 triệu đồng/ha, chỉ sau hai năm, người trồng có thể thu hồi vốn và từ năm thứ ba bắt đầu có lãi với mức thu ổn định 150 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Sớm nhận ra tiềm năng làm giàu của cây sachi, người Thái Lan cũng đang vào Việt Nam tìm thuê đất để trồng sachi. Họ sẽ cung cấp giống, vật tư đầu vào, thuê người dân làm và bao tiêu sản phẩm. Tại Thái Lan hiện có hàng chục công ty lớn kinh doanh trên lĩnh vực này. Ông Thawan Wat Sibunruang, quản lý của công ty TNHH Asia Star Omega cho biết, có tháng công ty của ông thu mua tới 30 tấn hạt sachi.
Trước những tín hiệu mới mẻ này, Bí thư huyện ủy Cẩm Khê Hà Đức Huynh mong muốn Sở Nông nghiệp Phú Thọ cùng các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp, ngân hàng và doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ người dân địa phương. Vấn đề đáng quan tâm nhất là kỹ thuật thâm canh và đầu ra cho sản phẩm. Nếu đảm bảo được hai yếu tố trên, cấp ủy và chính quyền huyện Cẩm Khê cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án trồng thí điểm và nhân rộng thâm canh sachi.