Bế tắc tại sân nhà, các ‘ông lớn’ châu Âu ưng thảm đỏ Trung Quốc. Trong ảnh: Gian hàng Balancity của Đức tại World Expo 2010 ở Thượng Hải. (Nguồn: Trilogypmc) |
Đổ thêm tiền vào hay rút vốn khỏi Trung Quốc?
Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc đã giảm trong 3 năm liên tiếp từ mức 10,4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 6,3 tỷ USD vào năm 2021, theo Caixin.com.
Nhưng trong 8 tháng năm 2022, đầu tư của EU vào Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Và chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz được giới quan sát đánh giá đã tạo cơ hội để nắm bắt nhịp đập niềm tin của các nhà đầu tư Đức và châu  vào Trung Quốc, giữa bối cảnh các yếu tố như xung đột địa chính trị ở Đông Âu, đại dịch Covid-19 và lạm phát phi mã còn diễn biến phức tạp.
Những thay đổi địa chính trị mạnh mẽ trong năm nay đã làm thay đổi đáng kể tính toán đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Doanh nghiệp lớn ở châu Âu đang dẫn đầu, trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang rút lui trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.
Trong phái đoàn do Thủ tướng Đức dẫn đầu đến Trung Quốc vừa qua, có rất nhiều tên tuổi lừng danh là đại diện của các "gã khổng lồ" xe hơi như Volkswagen và BMW; tập đoàn công nghiệp Siemens; “ông lớn” hóa học BASF và Wacker Chemie; Ngân hàng Đức; nhà sản xuất thuốc Merck KGaA, Bayer và BioNTech; nhà sản xuất hệ thống sưởi ấm xanh GeoclimaDesign; nhà sản xuất thức ăn trẻ em hữu cơ Hipp và nhà sản xuất đồ thể thao Adidas…
Hầu hết trong số họ là các doanh nghiệp lớn của Đức cam kết mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc, Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, một nhóm vận động hành lang đại diện cho hơn 1.700 công ty châu Âu, cho biết.
Báo cáo của công ty nghiên cứu Rhodium Group được công bố hồi tháng Chín cho thấy đầu tư của châu Âu đã trở nên tập trung hơn vào một số ít các công ty lớn. 10 nhà đầu tư châu Âu hàng đầu vào Trung Quốc trong bốn năm qua chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp của châu Âu vào nước này. Trong số đó, Volkswagen, BMW, Daimler và BASF đóng góp 34% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Trung Quốc tính theo giá trị từ năm 2018 đến năm 2021.
BASF đã tiết lộ kế hoạch đầu tư lên tới 10 tỷ Euro (9,95 tỷ USD) trong năm nay vào một khu phức hợp khổng lồ ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, để sản xuất các hợp chất nhựa kỹ thuật cho ngành công nghiệp xe hơi và điện tử. Vào tháng 3/2022, "ông lớn" ngành hóa chất này cũng đã ký một thỏa thuận cung cấp 25 năm với Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc để cung cấp điện tái tạo cho dự án Trạm Giang.
Giám đốc BASF Markus Kamieth cho biết: "Thị trường năng lượng tái tạo của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và mang đến cho chúng tôi những cơ hội hấp dẫn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi". BASF đang điều chỉnh giảm hoạt động sản xuất amoniac sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu và thay vào đó tìm nguồn cung ứng từ thị trường toàn cầu. Trong ba quý của năm nay, sản lượng hóa chất của BASF ở châu Âu đã giảm trong khi sản lượng ở Trung Quốc và Bắc Mỹ tăng.
Lợi nhuận của các nhà sản xuất châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào dầu khí giá rẻ của Nga. Việc nguồn cung năng lượng từ Nga sụt giảm do hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine đang gây áp lực cực lớn lên chi phí và khả năng cạnh tranh về giá của các công ty châu Âu sử dụng nhiều năng lượng. Các công ty đa quốc gia khác đã bắt đầu mở rộng đầu tư vào năng lực của Trung Quốc sau khi gặp phải vấn đề sản xuất ở châu Âu.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một số khoản đầu tư của châu Âu bắt đầu chuyển sang Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia có lợi thế về năng lượng hoặc thị trường - Wu Yabin, người đứng đầu Văn phòng Xúc tiến Công nghệ và Đầu tư của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc tại Bắc Kinh, cho biết.
Đến Trung Quốc phải có điều kiện
Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực ở Trung Quốc đều chấp nhận đầu tư nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ phải đối mặt với thách thức lớn nhất. Các nhà bán lẻ nước ngoài tại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng của nước này và các đối tác bán lẻ địa phương. Quyết định của các nhà bán lẻ nước ngoài về việc nên mở rộng hay thoát khỏi thị trường có thể tạo ra phản ứng dây chuyền thông qua chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.
Ito-Yokado, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản, cho biết họ sẽ đóng cửa hàng mang tính biểu tượng trên con phố mua sắm nổi tiếng ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, vào cuối năm nay. Đây là cửa hàng đầu tiên mà nhà bán lẻ Nhật Bản mở tại Trung Quốc 25 năm trước. Thông tin này làm dấy lên suy đoán về việc nhiều nhà bán lẻ nước ngoài sẽ rời khỏi Trung Quốc.
Có vẻ đúng như vậy, khi hàng loạt tên tuổi đình đám như Gap Inc, Carrefour (Pháp), Walmart (Mỹ)… đều đã có những động thái như đóng cửa hàng, chuyển nhượng một phần hay tìm kiếm người mua nội địa…
Các công ty nhỏ và vừa của châu Âu cũng không có nhiều đầu tư mới vào Trung Quốc trong vài năm qua. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, hầu như không có doanh nghiệp châu Âu mới nào đầu tư trực tiếp vào nước này, theo báo cáo của Rhodium Group.
Rhodium Group cho biết, các công ty vừa và nhỏ có khả năng chấp nhận rủi ro toàn cầu tương đối yếu. Việc di chuyển nhân sự cấp cao trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng khiến việc mở rộng đầu tư mới hay duy trì trở nên khó khăn hơn.
Các hoạt động gần đây của giới đầu tư Mỹ tại Trung Quốc cũng cho thấy vấn đề tương tự ở những nhà đầu tư vừa và nhỏ. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc Michael Hart cho hay: "Hầu hết các khoản đầu tư gần đây đã được thực hiện bởi các công ty lớn, với rất ít hoạt động của (các doanh nghiệp nhỏ hơn), vốn từng là đối tượng đóng góp rất tích cực" trước đây. Các doanh nghiệp nhỏ hơn có ít dự trữ tiền mặt hơn, họ nhạy cảm hơn với sự suy thoái của thị trường hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng, Chủ tịch Hart nói.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc hiện không còn hoan nghênh đầu tư nước ngoài bất chấp chi phí môi trường như họ đã làm trong những ngày đầu mở cửa. Trong những năm gần đây, các biện pháp kiểm soát môi trường ngày càng nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với sản xuất đã làm tăng ngưỡng đầu vào và chi phí sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà lãnh đạo toàn cầu về điện khí hóa?
BMW là một trong những nhà sản xuất xe hơi phương Tây đầu tiên được hưởng lợi từ việc nới lỏng các quy tắc sở hữu nước ngoài của Trung Quốc. Vào tháng 2/2022, các nhà chức trách Trung Quốc đã cho phép BMW nâng cổ phần trong liên doanh của mình với Brilliance China Automotive Holdings Ltd. lên 75% từ mức 50%. BMW cho biết, việc nắm quyền kiểm soát liên doanh sẽ củng cố thu nhập hàng năm của hãng lên tới 8 tỷ Euro.
Volkswagen (VW) cho biết, vào tháng trước rằng họ sẽ đầu tư 2,4 tỷ Euro để thành lập một liên doanh lái xe tự động với Horizon Robotics Inc. của Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện công nghệ của hãng tại thị trường lớn nhất của mình.
Tập đoàn Mercedes-Benz AG đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thượng Hải vào đầu năm nay để tập trung phát triển các công nghệ liên quan đến kết nối, lái xe thông minh và dữ liệu lớn.
Yang Jing, Giám đốc Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết đầu tư gia tăng của các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài phản ánh tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về điện khí hóa phương tiện và giao thông thông minh đã làm tăng sự nổi bật của nước này đối với đầu tư nước ngoài, bà Yang Jing nói.
| Giá cà phê hôm nay 22/11: Giá arabica tăng vọt, robusta có thể còn bị kéo xuống, quan điểm tài chính bế tắc, thị trường lúng túng Phát biểu của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ và EU chưa thể giúp ổn định thị trường khi tất cả đều ... |
| Lệnh trừng phạt Nga: Thủ tướng Hungary dự báo thiệt hại 10 tỷ Euro mỗi năm, tổ chức tham vấn quốc gia xin ý kiến người dân Thủ tướng Viktor Orban ngày 18/11 cho biết nền kinh tế Hungary đang thiệt hại 10 tỷ Euro mỗi năm do các lệnh trừng phạt ... |
| Chưa hết phụ thuộc Nga, Đức lại muốn ràng buộc lợi ích với Trung Quốc? Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đông đảo các CEO hàng đầu của Đức đã đến Bắc Kinh, với một thông điệp rõ ràng “hoạt ... |
| Khủng hoảng năng lượng phơi bày điểm yếu 'khó nói nhất' của Liên minh châu Âu Khủng hoảng năng lượng đang loại bỏ dần sức mạnh công nghiệp của châu Âu. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa nguy hiểm bằng sự ... |