Ngày 7/8, nhà phân tích chính trị Dmitry Solonnikov - Giám đốc Viện Phát triển quốc gia hiện đại ở Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không chỉ gây hậu quả tiêu cực đối với Nga, mà sẽ còn gây phương hại tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và chính Mỹ.
Ông cho rằng, do bị hạn chế tiếp cận công nghệ của Mỹ và châu Âu, người Nga sẽ tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để phát triển.
Lệnh trừng phạt Nga có thể khiến mối quan hệ của Mỹ với EU trở nên xấu đi. (Nguồn: Sputnik) |
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ và các nước EU. Ông Solonnikov nêu rõ trong khi Ba Lan và các nước Baltic sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, các nước thành viên lâu năm của EU sẽ nhận ra rằng họ đang thua thiệt. Một mặt, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm gia tăng sự rạn nứt trong EU, mặt khác điều này sẽ khiến châu Âu rời xa Mỹ về phương diện tài chính và cả năng lượng.
Ông Solonnikov cảnh báo EU sẽ ngày càng cảnh giác với Mỹ vì nhiều nước tại châu Âu coi động thái của Washington là một nỗ lực “ngạo mạn” nhằm buộc họ mua khí hóa lỏng từ Mỹ, thay vì từ Nga.
Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga, Tổng thống Donald Trump ngày 2/8 đã ký ban hành luật này. Nga coi đây là một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ và cũng là dấu chấm hết cho triển vọng cải thiện quan hệ với chính quyền của Tổng thống Trump. EU cũng đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt Nga vì nó đe dọa lợi ích của nhiều doanh nghiệp châu Âu.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Nó đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu. Họ cho rằng việc này có thể gây phương hại tới các hoạt động thương mại và các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu.