📞

Giới thiệu nhân quyền Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ

14:50 | 08/05/2009
Bức tranh tổng quát về nhân quyền của Việt Nam được thể hiện rõ nét trong “Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc” do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày hôm 8/5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).
Thứ trưởng Phạm Bình Minh (ở giữa) trong cuộc họp báo giới thiệu về Báo cáo nhân quyền, ngày 21/4 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam bảo vệ Báo cáo trên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). TG&VN xin trích giới thiệu một số nội dung quan trọng của Báo cáo.

 

Những thành tựu to lớn

 

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về thúc đẩy quyền con người, cụ thể ở các mặt:

 

Các quyền dân sự và chính trị: Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn.

 

Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Các sinh hoạt tôn giáo, các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.

 

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 55 nhà xuất bản.

 

Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá: Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2001–2010, Tầm nhìn đến 2020 nhằm ưu tiên và tạo bước chuyển mạnh trong công tác xoá đói giảm nghèo; đổi mới giáo dục và đào tạo; bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân; giảm thất nghiệp và tạo việc làm; phát triển mạng lưới an sinh xã hội… Việt Nam coi đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

 

Việt Nam đang tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm 2006–2010. Trong 8 năm thực hiện (2001–2008), cả nước đã có 12,44 triệu việc làm mới. Kể từ ngày 1/1/2009, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

 

Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

 

Trẻ em

 

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Khoảng 8,4 triệu trẻ, chiếm trên 90% trẻ em dưới 6 tuổi, được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ngày càng cao (năm học 2005–2006, tỉ lệ học sinh tiểu học đạt 95,04%, trung học cơ sở đạt 80,3%).

 

Phụ nữ

 

Việt Nam đang tích cực triển khai trên toàn quốc Chiến lược Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 và đang nỗ lực xây dựng Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới cho giai đoạn 2011-2020. Theo WB và ADB, “Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới...”.

 

Dân tộc thiểu số

 

Tỉ lệ hộ nghèo đói trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, bình quân khoảng 3-5%/năm. Các vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: 96% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số huyện và 95% xã đã có điện… Văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm giữ gìn và phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 8 bộ giáo trình cho 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khơ-me, Chăm, Hoa, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Thái và Mông), chính thức đưa vào dạy trong các trường tiểu học và phổ thông dân tộc ở 25 tỉnh có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao.

 

Người khuyết tật

 

Trong 10 năm qua, trên 300.000 người được chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, được cung cấp xe lăn, xe đẩy; hàng trăm nghìn người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cho đến nay, có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật và có khoảng 35.000 người khuyết tật được học nghề. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn về người khuyết tật do UNESCAP đề xướng. Việt Nam cũng đã ký Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật.

 

Khó khăn và thách thức

 

Thứ nhất, hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực quyền con người nói riêng, còn chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn tới khó khăn, thậm chí hiểu sai, trong quá trình vận dụng và thực thi pháp luật ở cơ sở.

 

Thứ hai, do đặc thù về mặt địa lý, phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt rất khác nhau dẫn tới một bộ phận người dân còn hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội, sự hiểu biết về pháp luật, chính sách cũng như năng lực tuân thủ pháp luật.

 

Thứ ba, tuy đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong các năm qua, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, xuất phát điểm thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng thường bị thiên tai, còn nhiều khó khăn.

 

Thứ tư, sự phát triển của kinh tế thị trường kéo theo những vấn nạn xã hội đáng lo ngại. Thất nghiệp gia tăng; sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền còn lớn; những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm có chiều hướng lan rộng; môi trường sống bị ô nhiễm...

 

Thứ năm, những biến động của môi trường quốc tế (các loại bệnh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu) đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam: ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người dân, làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển con người.

 

Thứ sáu, trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ nhà nước về quyền con người còn nhiều hạn chế.

 

Các ưu tiên quốc gia

 

Thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo; củng cố thành quả giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống và điều kiện sản xuất của nhóm hộ nghèo; hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi.

Việt Nam tiếp tục các chương trình cải cách pháp luật và hành chính nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền.

 

Việt Nam ưu tiên các chính sách chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất của người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn từ 2006-2010 đã được xây dựng và triển khai; phát triển mạng lưới an sinh xã hội; bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ…

 

Cam kết của Việt Nam

 

Việt Nam xem xét và rút bảo lưu Điều 5 Nghị định thư về Buôn bán Trẻ em, Mại dâm Trẻ em và Văn hóa phẩm Khiêu dâm Trẻ em của Công ước Quyền Trẻ em; nghiên cứu gia nhập thêm một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, Công ước Chống Tra tấn; phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết tật; Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung về Trấn áp, Trừng trị tội Buôn bán người, đặc biệt là Phụ nữ và Trẻ em.

 

Việt Nam cam kết tham gia tích cực vào hoạt động của một số cơ chế của LHQ về quyền con người; tiếp tục đối thoại về nhân quyền với các nước và các tổ chức quốc tế; tiếp tục chương trình cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế; đảm bảo quyền tiếp cận, trợ giúp pháp lý của công dân; đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, chú trọng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, quan tâm phát triển mạng lưới an sinh xã hội, phấn đấu đạt phổ cập trung học cơ sở; đẩy mạnh thực hiện chính sách bình đẳng giới.

 

Mai Lam(gt)