Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội nước này không thông qua dự luật nâng trần nợ công. (Nguồn: Market Times) |
Theo ông Denny Roy, một thành viên cấp cao tại trung tâm tư vấn East-West Center ở Hawaii, quyết định của Mỹ giữ nguyên hạn mức nợ quốc gia là 31,4 nghìn tỷ USD sẽ làm giảm giá trái phiếu chính phủ nước này, phá vỡ thị trường nợ quốc tế và thậm chí làm chậm nền kinh tế thế giới.
Ông nhấn mạnh: “Việc Mỹ không nâng trần nợ sẽ làm giảm giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Vấn đề này có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và cũng sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc".
Bất kỳ sự sụt giảm nào từ trái phiếu kho bạc hoặc đồng USD sẽ đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm giảm bớt sự tiếp xúc với Mỹ, kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm 2018.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ từ năm 2000 cho đến năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là đất nước nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất, sau Nhật Bản.
Tuy nhiên, tromg tháng 2/2023, quốc gia này đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu trong kho bạc Mỹ xuống còn 848,8 tỷ USD, từ mức 859,4 tỷ USD. Đây là mức giảm tháng thứ 7 liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong gần 13 năm.
Ông Zhao Xijun, Phó hiệu trưởng Trường Tài chính tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho biết, mối đe dọa đối với giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thu hẹp quy mô hơn nữa. Thời gian qua, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài sản và vàng không phải của Mỹ đã tăng lên.
Ông Zhao Xijun nhận định: “Trung Quốc là nhà đầu tư quan trọng vào trái phiếu kho bạc. Liệu Mỹ có khiến thị trường nợ biến động và tạo ra rủi ro hay không? Theo tôi, khả năng đó rất cao. Giảm đầu tư vào trái phiếu trong kho bạc Mỹ sẽ là một bước đi hợp lý của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".
Còn theo ông Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, một 'cú đánh' vào việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ làm tăng nỗ lực của Trung Quốc trong việc sử dụng đồng Nhân dân tệ để giải quyết các giao dịch thương mại với nước ngoài.
Trung Quốc đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với khoảng 15 quốc gia và khu vực kể từ năm 2009, dù dòng vốn xuyên biên giới đang hạn chế việc sử dụng rộng rãi hơn đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế.
James Chin, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Tasmania ở Australia cho biết, một thỏa thuận ở Washington về việc nâng mức trần quá cao có thể làm giảm giá trị đồng USD theo thời gian.
"Vì lý do đó, Trung Quốc đang tìm cách bỏ qua đồng USD", vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Hạ viện Mỹ tuần trước đã thông qua dự luật tăng trần nợ - giới hạn số tiền mà chính phủ có thể vay để chi trả cho các dịch vụ, chẳng hạn như an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và quân đội và Thượng viện đã bắt đầu xem xét nên làm gì tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể vỡ nợ trước ngày 1/6, làm dấy lên nỗi ám ảnh về việc chính phủ đóng cửa.
Công ty Chứng khoán Zhongtai có trụ sở tại Trung Quốc nhận định: "Trường hợp xấu nhất là hai đảng của Mỹ gặp bế tắc, có thể dẫn đến việc trì hoãn điều chỉnh trần nợ, thậm chí gây ra tình trạng vỡ nợ kỹ thuật của chính phủ. Thị trường sẽ bị tác động đáng kể nếu điều này xảy ra".
Ông Zhao cho biết thêm, các quan chức Trung Quốc sẽ theo dõi kết quả trần nợ trong bối cảnh Ngân hàng Thung lũng Silicon và hai ngân hàng khác của Mỹ sụp đổ để tìm bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông nói thêm: "Cuộc chiến thương mại Trung Quốc-Mỹ vẫn đè nặng lên suy nghĩ của Bắc Kinh, từ việc cắt giảm mua trái phiếu đến việc tránh phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm của Mỹ".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc gặp rào cản lớn mặc dù quyết tâm cắt giảm trái phiếu Mỹ và sử dụng đồng nội tệ ở nước ngoài.
Theo các nhà phân tích, Mỹ vẫn là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của Bắc Kinh.